Xử vụ án kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn"

Hôm nay, xử vụ tranh chấp quyền tác giả kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”

      8h30 sáng nay (27/3), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử vụ tranh chấp quyền tác giả kịch bản phim truyện “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng một thời.

Nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh, công tác tại Báo Quân đội Nhân dân. Bị đơn là ông Lê Phương, nguyên cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam; Báo Sài Gòn Giải phóng, NXB Hội VHNT Long An và NXB Thanh Hóa. Theo luật sư Nguyễn Thắng Cảnh, Trưởng chi nhánh công ty Luật hợp danh Cảnh Khôi, người bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Thanh thì ông Thanh đề nghị các bị đơn phải trả lại quyền tác giả, nhuận bút cho ông. Tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 74 tỷ 148 triệu đồng

 

 

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh  - Người bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Thanh:

“Hãng phim truyện phải có trách nhiệm”

Cách nói “không biết Nguyễn Thanh là ai” là cách nói của Hãng phim truyện để từ chối trách nhiệm, nhưng Luật quy định Hãng phải có trách nhiệm. Vì trên phim đề tên kịch bản là “Lê Phương- Nguyễn Thanh” tức là có hai tác giả chứ không phải là một tác giả. Chính vì vậy, Hãng phải có trách nhiệm liên hệ với ông Nguyễn Thanh và khi đã sử dụng tác phẩm của ông Nguyễn Thanh thì phải trả nhuận bút cho ông ấy. Chỉ trừ trường hợp Lê Phương – Nguyễn Thanh là một tác giả thì mới trả nhuận bút cho một người.

Trong vụ việc này, ông Nguyễn Thanh đã đưa ra được bằng chứng là những bản thảo nháp ông còn giữ trước đây, trong đó có rất nhiều đoạn  mà kịch bản phim được sản xuất và kể cả được in ấn chép nguyên văn của ông Thanh. Như vậy thì không thể nói là “với sự cộng tác của ông Nguyễn Thanh” được. Hơn nữa, kịch bản mà ông Nguyễn Thanh viết, được lấy chất liệu từ thực tế và từ những tác phẩm ký, tác phẩm báo chí của ông Thanh đã xuất bản từ những năm 75 đến năm 77-  trước khi kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” ra đời. Nhưng tôi nhớ là lúc đầu tập 1 bộ phim không có tên Nguyễn Thanh, sau đó mới thêm vào.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Trưởng phòng tổ chức Hãng phim truyện Việt Nam:

“Hãng chỉ làm việc với ông Lê Phương”

Phim được sản xuất từ năm 1982 đến 1986, khi đó ông Lê Phương là biên kịch, thuộc biên chế của Hãng, ăn lương của Hãng. Hãng giao cho ông Lê Phương nhiệm vụ viết kịch bản thì ông Lê Phương phải hoàn thành, còn ông Lê Phương hợp tác với ai để có được kịch bản thì đó là việc của ông Lê Phương, Hãng không biết. Ông Lê Phương liên lạc với ông Nguyễn Thanh với tư cách cá nhân, chứ không phải với tư cách của Hãng phim truyện. Sau khi phim hoàn thành, ông Lê Phương có nhận tiền nhuận bút từ Hãng. Nhuận bút vào thời điểm đó là 3.000 đồng/tập. Hãng không có một hợp đồng nào với ông Nguyễn Thanh nên không thể trả cho Nguyễn Thanh được.

NSND Hải Ninh - Nguyên Giám đốc Xí nghiệp phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam)

“Đây là chuyện của hai tác giả”

Thời điểm đó, Xí nghiệp phim truyện có 4 xưởng phim, nên trước khi kịch bản được trình để lãnh đạo duyệt thì các xưởng đã duyệt từ trước. Việc ông Lê Phương giao kịch bản cho xưởng có nói là của ông Nguyễn Thanh hay không thì chỉ xưởng mới biết. Ban Giám đốc chỉ duyệt khi đã là tác phẩm điện ảnh (tức là khi đã lên phim) chứ không phải khi còn là bản thảo. Thực tế trên phim thì cả 4 tập đều đề tên tác giả là Lê Phương, Nguyễn Thanh. Còn chuyện ông Lê Phương và ông Nguyễn Thanh làm việc với nhau, và thỏa thuận nhuận bút như thế nào, tôi không được biết, đấy là chuyện giữa hai tác giả với nhau.

Đạo diễn Long Vân:

Khi nộp kịch bản không thấy có tên Nguyễn Thanh

Ông Lê Phương đã cùng tôi đi thực tế để viết đề cương kịch bản phim về biệt động Sài Gòn ở Vũng Tàu vào năm 1981 – khi đó tôi đang làm phim “Cho cả ngày mai” đó là sự thật. ông Phương có đưa cho tôi kịch bản hoàn thành có tên “Những thiên thần ra trận” - tác giả là Lê Phương. Kịch bản được duyệt và đưa vào sản xuất. Sau đó, hình như ông Nguyễn Thanh có đến Hãng kiện tụng gì đó, Hãng đã giải quyết và yêu cầu hai ông dàn xếp với nhau. Tôi nhớ là lúc đầu, khi làm tập 1 bộ phim không có tên Nguyễn Thanh, về sau mới thấy bổ sung vào.

Thực tế thì nhuận bút hồi đó có đáng kể gì đâu, nhuận bút của tôi chỉ đủ hút thuốc lá mà là loại thuốc rẻ tiền. Còn việc in kịch bản thành sách tôi thấy hồi đó có rất nhiều. Họ còn cắt phim tôi ra để in thành tập truyện ngắn nhỏ như bàn tay, có cả ảnh minh họa kèm chú thích và bán rất chạy. Tôi cũng không hiểu vì sao mà các nhà xuất bản lại lấy được hình ảnh từ trên phim xuống. Tôi cũng không được tham gia duyệt kịch bản nào của ông Nguyễn Thanh cả, hoặc nếu có duyệt ở đâu thì tôi không biết. Còn câu nói “Nguyễn Thanh cũng là tôi” của ông Lê Phương tôi nghĩ không có thật. Ông Lê Phương không bao giờ nói câu ngớ ngẩn đó.

Nhà biên kịch Lê Phương:

“Một xu tôi cũng không trả”

Theo thỏa thuận lúc bấy giờ về nhuận bút, tôi được 2 phần, ông Nguyễn Thanh được 1 phần. Nhuận bút tôi đã trả đủ cả, sao ngay lúc đó ông ấy không thắc mắc mà để tận 20 năm sau mới nói. Bản thảo gốc viết tay dài 400 trang của ông Thanh cũng đã được ông đến lấy ngay khi biết không được dùng. Giờ ông ấy lại đưa ra bản thảo đánh máy 200 trang không biết từ khi nào.

Tôi không công nhận bản đó. Trước pháp luật tôi chỉ nói chuyện với bản viết tay 400 trang. Việc các NXB in tùm lum kịch bản, tôi đều không biết và không được trả nhuận bút. Trừ Báo Sài Gòn Giải Phóng sau khi tôi thắc mắc thì đã gửi thư xin lỗi và trả tôi 2.500 đồng. Tôi có trích ra 1/3 là 800 đồng, báo trực tiếp ông Thanh đến lấy nhưng ông không đến. Bây giờ, tôi không trả nữa, vì đã qua đổi tiền rồi, mà tôi không có nhiệm vụ phải đổi tiền cho ông Thanh, tôi có vay ông ấy đâu. Trước tòa, tôi có nói bây giờ một xu tôi cũng không trả.

(Theo An ninh Thủ đô)