Vụ án truy nã cặp vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt hơn 117 tỉ đồng ông Lê Văn Bằng có phải là một thủ phạm chính ?

     Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị VKSND Tối cao truy tố một số bị can nguyên là cán bộ chủ chốt tại Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB.HCM) đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
     Trong đó thủ phạm chính – thực hiện hành vi phạm tội cùng với các bị can là cặp vợ chồng Hồ Minh Hậu – Phạm Thị Ái Loan, giám đốc công ty TNHH AN PHÚC đã bỏ trốn đang có lệnh truy nã quốc tế. Nhưng đa số cán bộ công nhân viên ở công ty TNHH An Phúc rất bất bình cho rằng vụ án này vẫn còn bỏ lọt tội phạm chính là ông Lê Văn Bằng, nguyên Tổng giám đốc công ty Thực phẩm Miền Bắc và các thuộc cấp...
Giữa tháng 12-2009 VRB.HCM gửi Công văn đến cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lí kinh tế và chức vụ - (Bộ Công an) tố cáo vợ chồng Hồ Minh Hậu - Phạm Thị Ái Loan đã thành lập và điều hành các Công ty: Minh Chí (CT Minh Chí) tại phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; An Phúc (CT An Phúc) tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; An Bình Phú (CT An Bình Phú) tại phường Lộc Sơn, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và trực tiếp liên hệ với VRB.HCM vay vốn để thu mua nông sản xuất khẩu. Từ tháng 5- 2008 đến tháng 11-2009, ba công ty trên được VRB.HCM nhiều lần giải ngân cho vay hơn 1.000 tỉ đồng, có nhiều khoản được hưởng hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ; còn nợ 171 tỉ đồng đã quá hạn nhưng không có khả năng thanh toán, vợ chồng Hậu - Loan bỏ trốn. Kết quả điều tra cho thấy: Khoảng tháng 5- 2008, Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan đến gặp Giám đốc VRB.HCM Lê Nông, đặt quan hệ tín dụng cho CT Minh Chí và CT An Phúc vay bổ sung vốn lưu động kinh doanh cà phê xuất khẩu. Phạm Thị Ái Loan kí giấy, gửi VRB.HCM đề nghị vay với số tiền hạn mức là 150 tỉ đồng. Tài sản thế chấp gồm nhiều “món” nhưng chỉ có một số nhà đất ở quận Phú Nhuận, CT Minh Chí và VRB.HCM đã kí hợp đồng thế chấp tài sản, công chứng, đăng kí giao dịch. Số tài sản thế chấp còn lại thuộc vào loại “có rắc rối”.

     Biết rõ tài sản thế chấp của CT Minh Chí như trên nhưng Trần Đình Diệu, Lê Vũ Trường Sanh là cán bộ Phòng QHKH, Trần Lâm Tuấn, Trương Văn Quốc là lãnh đạo Phòng Quản lí rủi ro (QLRR) và Lê Nông (Giám đốc VRB.HCM) vẫn lập báo cáo, đề nghị Tổng giám đốc ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) cấp hạn mức tín dụng cho CT Minh Chí 150 tỉ đồng (VRB.HCM là đơn vị hạch toán phụ thuộc). VRB đồng ý cấp hạn mức tín dụng 130 tỉ đồng cho CT Minh Chí. Tuy nhiên, Trần Đình Diệu, Lê Vũ Trường Sanh và Trần Hoàng (Phó giám đốc VRB.HCM), không thực hiện đầy đủ các điều kiện VRB đã phê duyệt, tiến hành soạn thảo và kí hợp đồng tín dụng ngắn hạn với Phạm Thị Ái Loan hạn mức 130 tỉ đồng. Đầu tháng 12- 2009, CT Minh Chí mất khả năng thanh toán, Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan bỏ trốn trong khi còn nợ quá hạn 17 khoản vay với số tiền là 117,17 tỉ đồng và lãi suất tiền vay (đến ngày khởi tố) trên 1,97 tỉ đồng.
     Thiệt hại về vật chất trong vụ án được xác định là hơn 128,9 tỉ đồng; trong đó VRB.HCM thiệt hại về vốn và lãi suất hơn 124 tỉ đồng, thiệt hại hỗ trợ lãi suất là hơn 4,7 tỉ đồng. Ngoài ra, Công ty Thực phẩm Miền Bắc cũng kiện ra Tòa án yêu cầu CT An Phúc trả nợ số tiền 161 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Lạc, thành viên của công ty An Phúc rất bức xúc nói: Chính vụ án này tôi viết nhiều đơn tố cáo gửi đến các cơ quan có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương để yêu cầu làm rõ vụ bê bối trên. Nhân vật chính liên quan vụ án là ông Lê Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Miền Bắc, kiêm Giám đốc Trung tâm kinh doanh nhập khẩu cà phê, người thao túng cho vợ chồng Hậu – Loan cùng nhiều người là anh em, chú bác ruột của ông Bằng làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. Từ năm 2007 đến năm 2009, Công ty Thực phẩm Miền Bắc đã kí bất hợp pháp với Công ty TNHH An Phúc gần 30 hợp đồng mua bán cà phê, chuyển cho Công ty này vài trăm tỉ đồng. Hiện Công ty An Phúc còn nợ Công ty Thực phẩm Miền Bắc 160 tỉ đồng (theo biên bản xác nhận đã kí giữa ông Tín và ông Bằng). Thực chất số tiền đó ông Lê Quang Tín (em ruột ông Bằng) đã rút ra gần 60 tỉ đồng; ông Lê Văn Dực (em ruột ông Bằng) rút ra hơn 100 tỉ đồng. Ông Bằng còn chỉ đạo các em ruột chuyển cho ông Hồ Minh Hoàng (anh ruột Hồ Minh Hậu) khoảng 25 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Theo báo cáo kiểm toán, mục hàng tồn kho của Công ty là 526 tỉ đồng nhưng thực tế không có hàng tồn kho. Đây là chứng từ khống để ông Bằng dễ bề làm thế chấp với Ngân hàng VIETCOMBANK Bình Dương cho Công ty An Bình Phúc vay 100 tỉ đồng. Riêng mục phải trả nợ của công ty Thực Phẩm Miền Bắc là hơn 1.384 tỉ đồng, trong đó nợ Ngân hàng 1.200 tỉ đồng. Hiện tại mất khả năng thanh toán 171 tỉ đồng; lỗ 239 tỉ đồng. Để chiếm đoạt được hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước, ông Bằng đã lôi kéo nhiều thành phần tham gia chủ yếu là những người ruột thịt, họ hàng. Ông Bằng thiết lập một hệ thống Công ty TNHH, từ đó kí các hợp đồng mua bán khống nhằm mục đích che đậy cho hành vi chiếm đoạt tài sản. Ông Bằng lôi kéo vợ chồng Hồ Minh Hậu – Phạm Thị Ái Loan vào tổ chức phạm tội bằng cách bổ nhiệm Hồ Minh Hậu làm Phó giám đốc trung tâm kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê (thuộc Công ty Thực phẩm Miền Bắc), giao cho Hậu cùng những người thân thiết thành lập thêm nhiều Công ty sân sau để lập hồ sơ khống vay tiền các ngân hàng và chiếm đoạt. Hành vi phạm tội nêu trên đã rõ nhưng không hiểu vì sao ông Lê Văn Bằng vẫn không bị cơ quan pháp luật khởi tố điều tra?
Thắng Cảnh
Nguồn: nguoicaotuoi.org.vn


________________________________________



     Viết tiếp bài "vụ án" truy nã cặp vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt trên 117 tỉ đồng... "Người tiếp tay cho kẻ lừa đảo vẫn ngoài vòng pháp luật"
     Báo Người cao tuổi số 967 ra ngày 5-10-2011 đăng bài: "Vụ án truy nã cặp vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt trên 117 tỉ đồng, ông Lê Văn Bằng có phải là thủ phạm chính"? Mới đây, ông Phí Hồng Tiến là cổ đông của Công ty CP Thực phẩm và Dịch vụ Tổng hợp lại có đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Văn Bằng, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thanh Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm và Dịch vụ Tổng hợp làm thất thoát nhiều chục tỉ đồng, gây thiệt hại đến nguồn vốn của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan pháp luật xử lí.

     Theo đơn tố cáo của ông Phí Hồng Tiến thì: Công ty CP Thực phẩm và Dịch vụ Tổng hợp là đơn vị được thành lập trên cơ sở cổ phần hoá Trung tâm Thực phẩm và Dịch vụ Tổng hợp thuộc Công ty thực phẩm miền Bắc, giấy chứng nhận ĐKKD và đăng kí thuế số 0305073965 ngày 12-7-2007 do Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cấp, có trụ sở ĐKKD ở 131 Bùi Viện Quận 1, trụ sở làm việc tại 242-242A Trần Hưng Đạo, quận 1 TP Hồ Chí Minh, vốn điều lệ 25 tỉ đồng. Công ty Thực phẩm miền Bắc chiếm 55,27% còn lại là của 145 người lao động và các cổ đông bên ngoài. Chủ tịch HĐQT là ông Lê Văn Bằng, hộ khẩu thường trú tại 18 dốc Tam Đa, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tổng giám đốc là ông Nguyễn Thanh Phương, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty. Địa chỉ nhà riêng 288.M9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

     Trong hoạt động kinh doanh, ông Bằng, ông Phương trực tiếp quan hệ với Công ty An Bình ( Bình Định), Công ty An Bình Phú (KCN Lộc Sơn, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng), Công ty Minh Chí (TP Hồ Chí Minh), Công ty An Phúc (Bình Dương) là những Công ty do Hồ Minh Hậu và Phạm Thuý Loan lập ra (hai người này đang bị truy nã)… Công ty An Bình Phú có sự tham gia của hai người em trai ông Bằng là Lê Văn Tín và Lê Văn Dực (GCNĐT số 422031000028 do Ban quản lí các KCN Lâm Đồng cấp). Vì mối quan hệ này nên ông Bằng, ông Phương phớt lờ sự phản ứng của các cổ đông và các thành viên trong HĐQT. Ông Phương trực tiếp kí hàng loạt hợp đồng mua bán cà-phê với số lượng lớn theo chỉ đạo của ông Lê Văn Bằng. Các hợp đồng được xác định số lượng hàng hoá chỉ ghi trên giấy tờ chứ thực chất không đúng với thực tế phát sinh, nhằm hợp thức hoá việc vay vốn các Ngân hàng của Công ty CP Thực phẩm và Dịch vụ Tổng hợp và của nhóm Hồ Minh Hậu - Phạm Thuý Loan.
     Trong việc quyết định kinh doanh cà-phê, HĐQT Công ty có họp bàn nhưng 2/5 thành viên (đại diện nhóm cổ đông bên ngoài) trong HĐQT không đồng ý do thấy việc kinh doanh quá mạo hiểm. Việc kí bảo lãnh để vay vốn Ngân hàng, hai thành viên trong HĐQT cũng kiên quyết không đồng ý. Vậy mà ông Bằng, ông Phương, ông Đoan (đại diện phần vốn của Nhà nước) vẫn ban hành nghị quyết, lập hồ sơ vay vốn.
     Cuối tháng 12-2009, khi vụ việc của Công ty An Bình Phú bị đổ bể, Công ty CP Thực phẩm & DVTH mới phát hiện số hàng hoá trị giá 44.656.800.000 đồng không đúng như sổ sách, Cơ quan Điều tra (Bộ CA) đã niêm phong toàn bộ kho hàng liên quan đến Hồ Minh Hậu - Phạm Thuý Loan. Theo báo cáo của ông Phương, lô hàng gửi tại kho Công ty An Bình Phú C46 Bộ CA thu giữ 17.200.000.000 đồng. Nếu C46 Bộ CA cho nhận lại để trả nợ Ngân hàng thì số thiệt hại của vụ việc này là: 27.486.800.000 đồng. Hiện tại, Công ty CP TP&DVTH nợ SAIGON BANK: 30.857.670.664 đồng (tính đến tháng 8-2011), nợ chi nhánh EXIMBANK Bình Phú 8.748.516.047 đồng (tính đến tháng 11-2010).
     Tại Đại hội cổ đông Công ty, nhiều cổ đông phát biểu rất gay gắt yêu cầu ông Bằng, ông Phương phải bỏ tiền túi bù những khoản vốn đã bị mất. Chính hai ông đã vi phạm các quy định của Nhà nước, Luật Doanh nghiệp và điều lệ Công ty để xảy ra việc thất thoát lớn. Nhưng cho đến nay ông Bằng và ông Phương vẫn chưa có động thái nào thể hiện trách nhiệm cá nhân, chưa có cơ quan nào xử lí vụ vi phạm pháp luật này.
     Sau khi xảy ra vụ thất thoát vốn, ông Bằng chỉ đạo ông Phương, ông Đoan chuyển gần 8 tỉ đồng từ tài khoản của Công ty CP Thực phẩm và Dịch vụ Tổng hợp (công ty con) về tài khoản của Công ty Thực phẩm miền Bắc (công ty mẹ). Thực chất là thoái vốn nhằm đối phó việc siết nợ của các Ngân hàng và trốn trách nhiệm với các cổ đông. Việc chuyển vốn được thực hiện từ tháng 2-2010, nhưng sau đó đến tháng 5-2010 mới hợp pháp hoá bằng hợp đồng cho vay vốn có lãi suất. Được biết số tiền này đã chi phí trong dự án xây dựng tại quận 12 TP Hồ Chí Minh. Còn gần 8 tỉ nêu trên cho đến nay công ty TP miền Bắc vẫn chưa trả lại.
     Các cổ đông đặt câu hỏi tại sao ông Lê Văn Bằng, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thanh Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Tổng hợp có hành vi vi phạm pháp luật, làm mất nhiều tỉ đồng của Nhà nước và cổ đông, song hai cán bộ này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Thắng Cảnh
Nguồn: báo Người Cao Tuổi