Các Hội đồng tư vấn của Mặt trận phản đối tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02

Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi và lên án việc làm sai trái của các tàu hải giám Trung Quốc trong việc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 26-5 vừa qua, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến tham vấn về vấn đề này.  
Ông Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh:
Mở cuộc hội đàm với các quốc gia hàng hải
Tôi cho rằng, tất cả các mâu thuẫn đều phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật. Mong rằng chúng ta tiếp tục công khai hóa vấn đề này, ngăn chặn những hành động không hay tiếp theo có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tìm kiếm sự ủng hộ từ phía các quốc gia láng giềng khác, mở cuộc hội đàm với các quốc gia hàng hải, vận động để họ hậu thuẫn cho chúng ta. Về phía mình, Việt Nam cũng cần cải thiện tàu bè để thuận lợi cho thông tin liên lạc giữa Hải quân, không quân để yểm trợ cho các tàu của Việt Nam, đồng thời bảo vệ ngư dân để họ bám ngư trường.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp, phân tích những ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu của các vị đại biểu, từ đó tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề về biển Đông.


Ông Phạm Văn Chương:
Thông tin chính xác kèm theo giám sát
Trước vụ việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp quang của tàu Bình Minh 2 ngày 26-5 vừa qua, Việt Nam đã công khai bày tỏ sự phản đối một cách mạnh mẽ. Tôi đặc biệt hoan nghênh việc làm này. Nhà nước ta nên tiếp tục công khai, tăng cường thông tin nhanh chóng cho nhân dân. Ở khía cạnh này, Mặt trận có thể làm việc đó. Cần có cách thông tin chính xác, kịp thời cho nhân dân. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng, cảnh giác với việc kẻ xấu lợi dụng để gây phức tạp thêm tình hình. Nhưng tôi tin nếu thông tin chính xác, kèm theo giám sát thì chắc sẽ không xảy ra tình trạng này.
Ông Trần Thế Kình
Nâng cao chiến lược đối ngoại nhân dân
Về vấn đề biến Đông, Hội đồng tư vấn cần kiến nghị với MTTQ vận dụng sáng tạo tư tưởng, phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh để góp phần cùng nhà nước giải quyết một cách hòa bình dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế. Về tầm xa, Hội đồng tư vấn kiến nghị với MTTQ cần có chiến lược đối ngoại nhân dân: Tiến hành bang giao nhân dân, hòa hiếu, thân thiện và bình đẳng với các nước láng giềng theo hướng cùng tồn tại hòa bình, cùng tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở pháp luật quốc tế. Khi có những vấn đề nảy sinh, các bên cùng nhìn thẳng, không né tránh để tìm cách giải quyết. MTTQ cần có tiếng nói để thế giới và đồng bào hiểu rõ sự kiện trên và cách hành xử của chúng ta về vấn đề biển Đông.
Ông Phạm Khắc Lãm
Phát huy sức mạnh của chính nghĩa
Việc Trung Quốc gây hấn trên biển Đông thực chất là gì? Họ nắn gân các nước láng giềng, họ diễn tập, hay lôi kéo sự chú ý của nhân dân Trung Quốc ra khỏi những vấn đề trong nội bộ đất nước? Tất cả những điều này, chúng ta nên cố gắng nhìn nhận một cách rõ ràng để có phương sách hợp lý. Với sự kiện vừa qua, tôi thấy rằng Việt Nam có “cứng rắn” hơn nhưng dường như vẫn còn gì đó rụt rè, giữ gìn. Tôi mong muốn nhà nước mình sẽ làm mạnh hơn nữa vấn đề này. Tôi tin rằng Việt Nam bây giờ cũng có cách nâng sức của mình lên, nhất về chính trị. Bởi chúng ta có chính nghĩa, chính nghĩa sẽ tạo cho chúng ta sức mạnh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Luật gia Nguyễn Ngọc Oánh
Hướng dẫn, giải thích để người dân yên tâm
Đối với Trung Quốc, nước láng giềng lớn ở cạnh chúng ta, từ lịch sử ngàn xưa, đã nhiều lần va chạm.  Tôi kiến nghị Mặt trận cần có những biện pháp góp phần định hướng dư luận trong nhân dân. Sau sự kiện vừa qua, người dân của chúng ta không tránh khỏi bức xúc. Chúng ta cần có hướng dẫn, giải thích trong dư luận nhân dân để người dân yên tâm, vững vàng trước những sự cố như vừa rồi.
GS Nguyễn Đăng Dung:
Ứng xử kịp thời hơn nữa!
Tôi cho rằng trước các sự kiện như vừa qua, ứng xử của chúng ta có những lúc chưa kịp thời. Cần nhìn sâu hơn một chút nữa về ứng xử của Trung Quốc đối với Việt Nam để thấy rằng, đôi khi, chúng ta còn thông tin quá chậm. Nước ta là nước nhỏ, chính vì thế mà chúng ta càng cần phải công khai những cứ liệu lịch sử một cách rộng rãi cho toàn thế giới biết để họ ủng hộ chúng ta. Càng tạo được dư luận rộng rãi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Gs Trần Ngọc Đường:
Nên kiện ra toà án quốc tế
Hiện nay, vấn đề ứng xử với Trung Quốc như thế nào, trong nhân dân còn nhiều quan điểm khác nhau. Tôi đề nghị Mặt trận kiến nghị với Bộ Chính trị để ra nghị quyết về vấn đề ứng xử của Đảng, của nhân dân ta trong đối ngoại với Trung Quốc. Trên cơ sở đó, các tổ chức chính trị, xã hội mới có cơ sở để phổ biến tới nhân dân để có cách ứng xử phù hợp. Và với sự kiện vừa qua, tôi nghĩ rằng chúng ta nên kiện dân sự. Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp, vậy Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam có thể kiện dân sự ra tòa án quốc tế đòi bồi thường thiệt hại.
GS Lưu Văn Đạt, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ & Pháp luật:
Đưa vấn đề này ra hội nghị Đoàn Chủ tịch sắp tới
Trong vấn đề này, Mặt trận cần làm gì? Tôi kiến nghị: Cần coi hồ sơ về Trung Quốc là hồ sơ quan trọng của Mặt trận. Chúng ta phải nghiên cứu, và phải có một nhóm nghiên cứu. Từ đó, chúng ta xác định xem ta làm được cái gì, chiến lược như thế nào? Bên cạnh đó, vấn đề biển Đông là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Vấn đề là thái độ của chúng ta như thế nào? Mặt trận cần tỏ rõ thái độ của mình, có thể thông qua lời tuyên bố, có thể thông qua phát biểu ý kiến của lãnh đạo Mặt trận, cũng có thể là tuyên bố của các nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận. Với các tầng lớp nhân dân, chúng ta phải thông tin đầy đủ, thông tin liên tục. Vừa qua, báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của MTTQ Việt Nam đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này. Đây là điều đáng hoan nghênh, và nếu chúng ta cứ liên tục tỏ thái độ như thế, tôi nghĩ rằng sẽ rất hiệu quả. Tôi kiến nghị, đưa vấn đề này ra tại hội nghị Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam sắp tới.
Luật gia Lê Đức Tiết:
Cần có những luật sư am hiểu vấn đề
 Trong vấn đề về biển Đông, chúng ta không nên dựa vào nước nào mà phải đoàn kết tất cả các nước trong khu vực để giải quyết một cách hoà bình. Ai cũng biết, có 3 cách đấu tranh trên bình diện quân sự, pháp lý, ngoại giao. Về mặt quân sự: Khi những tàu lạ không treo cờ của nước nào, uy hiếp, bắt ngư dân của ta, tại sao ta không coi đó là cướp biển? Về pháp lý: Chúng ta có thể kiện ra toà quốc tế trên cơ sở Luật biển năm 1982 cùng những văn bản, tuyên bố mà Trung Quốc đã cam kết. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những luật sư am hiểu vấn đề. Về phía Mặt trận, tôi cho rằng Mặt trận cần phải có một tuyên bố, dựa trên cơ sở 16 chữ vàng với Trung Quốc để bày tỏ thái độ của mình.
Ông Nguyễn Định Huấn:
Tăng cường thông tin tới các cán bộ Mặt trận
Nhìn ở góc độ Mặt trận, tôi đề nghị: Mặt trận cần phổ biến một cách có tổ chức về chiến lược của chúng ta ở biển Đông đến tất cả cán bộ Mặt trận và nhân dân. Phải cố gắng huy động sức mạnh của các thành viên, trong đó có những thành viên như Hội luật gia, bao gồm nhiều luật sư am hiểu các vấn đề để có những tiếng nói tham vấn hiệu quả. Không những thế, với những nước có các tổ chức tương đương, MTTQ cần thông tin tới họ để họ hiểu và ủng hộ chúng ta.
 Nguồn: daidoanket.vn