Vụ kiện quyền tác giả Văn bản truyện Kiều

CUỘC ĐẤU GIỮA HAI LUẬT SƯ

(VietNamNet)– Theo kế hoạch, phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự của hai nhà “Kiều học” Đào Thái Tôn – Nguyễn Quảng Tuân diễn ra hôm nay (10/5). Nhưng phiên tòa đã phải hoãn lại vì ông Đào Thái Tôn không thể có mặt tại tòa...

 

Tuy nhiên, hai người đại diện của cả bên nguyên và bên bị là Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ (bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Quảng Tuân) và Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh (bảo vệ quyền lợi cho ông Đào Thái Tôn) đều có mặt và đã cho báo giới biết nhưng diễn biến mới của vụ việc.

 

 

0.jpg

Hai "đối thủ" trước phiên tòa

 

Dưới đây là ý kiến của luật sư đại diện cho đương sự:

 

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh

 

Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình sức khỏe của ông Đào Thái Tôn?

 

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh

- Tối hôm qua tôi có đến nhà ông Đào Thái Tôn để thảo luận thêm về các nội dung tố tụng. Ông Tôn rất tự tin vào sự công minh của phiên xét xử hôm nay.  

 

Tuy nhiên, trong lúc trao đổi tôi nhận thấy sức khỏe của ông Tôn không được tốt, trông ông gầy và mệt mỏi. Ông cho tôi biết mới bị ngộ độc thức ăn. Đến sáng nay ông Tôn cho biết không thể đến phiên tòa được vì quá mệt.

 

Ông Tôn có tin vào khả năng thắng kiện trong phiên phúc thẩm?

 

- Ông Tôn luôn luôn tự tin và chuẩn bị tài liệu và tinh thần rất chu đáo để tham gia tranh tụng.

 

Theo lập luận của chúng tôi (ông Đào Thái Tôn và luật sư Cảnh) phiên tòa sơ thẩm áp dụng những điều luật không chính xác dẫn đến việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Đào Thái Tôn.

 

Nếu làm không cẩn trọng sẽ làm ảnh hưởng đến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khác, sẽ không còn ai dám bình luận và chỉ ra cái sai trong các tác phẩm hay công trình nghiên cứu nữa.

 

Lần này ông Tôn đưa ra lập luận gì mới?

 

- Lần này ông Tôn sẽ chỉ ra những viện dẫn của phiên tòa sơ thẩm là chưa chính xác. Tòa sử dụng Luật Sở hữu trí tuệ vừa có hiệu lực từ tháng 5/2005 để áp cho việc ông Tôn đã làm xảy ra trước thời điểm đó và điều chỉnh đổi Luật dân sự là không đúng.

 

Mục tiêu của ông Đào Thái Tôn trong quá trình kháng án lần này là hủy bản án sơ thẩm để đi đến một kết luận chính thức, đồng thời đình chỉ ngay vụ án “xâm phạm bản quyền”. Ông Tôn khẳng định đây là tác phẩm “nghiên cứu, bình luận”, không có “xâm phạm bản quyền”.

 

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định phiên tòa sơ thẩm đã không áp dụng đúng điều luật. Cụ thể: việc làm của ông Tôn phải căn cứ theo điều 760 và 761 của Bộ Luật Dân sự, nghĩa là ông Tôn được quyền trích dẫn; điểm 2 điều 2 Nghị định 76 CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết Luật dân sự về vấn đề bản quyền thì ông Tôn không vi phạm.

 

Nhưng ý kiến từ Cục Bản quyền là phải xin phép?

 

- Ý kiến của Cục Bản quyền chỉ có tính chất tham khảo khi Tòa cần đến ý kiến chuyên môn, nhưng Tòa lại dùng làm ý kiến chính là sai. Cục Bản quyền không phải cơ quan làm luật. Ý kiến từ Cục có thể đúng, có thể không. Tòa mới là nơi quyết định và ra phán quyết.

 

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Tôn có cáo buộc Tòa án Nhân dân Quận Ba Đình đã “thủ tiêu” đơn phản tố của ông (về việc ông Nguyễn Quảng Tuân kiện ông Tôn với tội danh “vu khống”) trong quá trình di lý vụ án lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Nội dung này có được đề cập trong nội dung kháng cáo lần này?

 

- Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/6/2006, Tòa đã bác phần phản tố của ông Đào Thái Tôn, và đã bác không chính xác. Các đương sự có quyền rút đơn với nội dung của mình nhưng chỉ trong phạm vi những đơn đó mới được gửi tới tòa xem xét. Nếu tòa thấy không đủ chứng cứ hoặc chưa xét được thì có thể bác đơn.

 

Nhưng với vụ việc này, ông Tuân đã gửi đơn kiện ông Tôn đến nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo chí đã đăng tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của ông Tôn. Vì vậy ông Tôn có quyền đòi hỏi tòa xem xét. Nhưng Tòa sơ thẩm đã bác phần phản tố này của ông Tôn là không đúng. Ông Tôn tiếp tục đưa nội dung phản tố này vào đơn kháng cáo lên phiên tòa phúc thẩm.

 

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ:

 

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Ông có ý kiến gì về việc ông Đào Thái Tôn không tham gia phiên tòa vì lý do sức khỏe? 

 

- Tôi không có ý kiến gì, vì đó là pháp luật cho phép đương sự xin hoãn xét xử nếu không đủ sức khỏe tham gia. Tôi tôn trọng quyết định của tòa.

 

Sau phiên tòa sơ thẩm, cả hai đương sự trong đó có bên nguyên là phía ông Nguyễn Quảng Tuân đều tuyên bố không thỏa mãn với phán quyết của tòa và sẽ kháng cáo. Vậy lần này phía ông kháng cáo gì lên tòa phúc thẩm?

 

- Sau khi tòa sơ thẩm không chấp nhận việc ông Đào Thái Tôn phải trả khoản thù lao mà ông Nguyễn Quảng Tuân thuê dịch vụ pháp lý của tôi thì tôi không chấp nhận.

 

Lý do: theo thông lệ bên bị đơn phải chịu mọi phí tổn liên quan đến vụ án nếu thua cuộc. Việc tòa không chấp nhận yêu cầu này của ông Tuân là không hợp lý. Đấy là ý kiến của cá nhân tôi.

 

Tuy nhiên sau khi trao đổi với ông Nguyễn Quảng Tuân. Chúng tôi đã quyết định không kháng án nội dung này nữa. Vậy nên, sau phiên tòa sơ thẩm, chỉ có phía bị đơn là ông Đào Thái Tôn kháng án.

 

Theo ông, lập luận kháng án của bị đơn có điểm gì mới?

 

- Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đào Thái Tôn cũng như người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Tôn là ông Bùi Công Linh và LS Nguyễn Đăng Cảnh đều một mực cho rằng việc ông Tôn dùng toàn văn bài viết của ông Nguyễn Quảng Tuân là hành vi “trích dẫn”, và hành vi “trích dẫn” được Bộ Luật dân sự cho phép. Ngay tại phiên tòa sơ thẩm tôi đã phản bác lập luận này: trích dẫn là lấy một phần, chứ không phải lấy toàn bộ tác phẩm.

 

Chính vì thế, có lẽ không tự tin với lập luận đó nữa, phía ông Tôn thay đổi trong đơn kháng cáo. Lần này, ông Tôn thừa nhận đã dẫn "toàn văn" chứ không phải là "trích dẫn". Ông Tôn đã khẳng định trong nội dung kháng cáo: Muốn dựng lại trung thành cuộc tranh luận thì phải in trung thành toàn văn chứ không thể trích mỗi người dăm ba đoạn được. Tôi cho rằng đấy là sự thay đổi quan điểm triệt để về phía ông Tôn, ngược hẳn với lập luận mà ông Tôn và các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông đã đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm.

 

(Theo VietNamNet)

 

 

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

DAI DẲNG KIỆN TỤNG GIỮA HAI NHÀ KIỀU HỌC

Cuộc chiến giữa hai nhà nghiên cứu (NNC) Truyện Kiều, Đào Thái Tôn và Nguyễn Quảng Tuân đã vượt qua cao trào và đang đi vào giai đoạn... dai dẳng khi ông Đào Thái Tôn, người thua ở phiên sơ thẩm, quyết định kháng cáo. Tuy nhiên, ông Tôn lại vắng mặt tại phiên xử phúc thẩm sáng nay, 10/5, do bị ốm, khiến phiên tòa buộc phải hoãn.

Tại phiên sơ thẩm vào cuối năm 2006, NNC Đào Thái Tôn bị xử đã vi phạm bản quyền khi lấy 4 bài viết của NNC Nguyễn Quảng Tuân đăng lại trong cuốn Văn bản Truyện Kiều nghiên cứu và khảo luận mà không xin phép và không trả nhuận bút. Theo đó, ông Tôn bị phạt gần 30 triệu đồng, bao gồm 25 triệu bồi thường thiệt hại do xâm phạm tác quyền, hơn 1 triệu nhuận bút cho ông Nguyễn Quảng Tuân, 3,5 triệu tiền án phí nộp cho tòa...

Bản án đã bác bỏ yêu cầu của phía nguyên đòi bị đơn trả cả 50 triệu đồng thuê cố vấn pháp luật, tức TS. Cù Huy Hà Vũ. Vào thời điểm phiên tòa chấm dứt, cả hai bên đều hùng hồn tuyên bố sẽ kháng cáo đến cùng. Song phía ông Nguyễn Quảng Tuân, sau khi cân nhắc, đã quyết định không phản ứng gì thêm. Rốt cuộc, chỉ có NNC Đào Thái Tôn là đi "đến cùng".

Kháng cáo, NNC Đào Thái Tôn yêu cầu: hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ việc thi hành án bởi không có sự xâm phạm bản quyền ở đây, đây là hành động trích dẫn nhằm mục đích phê phán, bình luận chứ không phải là lấy tác phẩm vì mục đích thương mại.

Luật sư của NNC Đào Thái Tôn, ông Nguyễn Thắng Cảnh, tiếp tục viện dẫn Điều 750, 760 Bộ luật Dân sự 1995 và Khoản 2 điều 12 Nghị định 76/CP Hướng dẫn thi hành một số Quy định về Quyền tác giả tại Bộ luật Dân sự 1995. Theo đó, ông Tôn có quyền "Sưu tầm các tác phẩm đã công bố của người khác để làm hợp tuyển, tuyển tập", mà không làm ảnh hưởng đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Ông Tôn nhấn mạnh, mục đích của ông khi "trích" các bài viết của Nguyễn Quảng Tuân là "bình chú, trao đổi và thảo luận", đúng như nhan đề sách và phần giới thiệu sách đã nói rõ.

"Muốn tranh luận thì phải có dẫn chứng chứ! Nếu không có 82 điều bình chú, phê phán của ông Tôn sau mỗi trang bài viết của ông Tuân, thì người đọc và thế giới sẽ hiểu sai về Truyện Kiều..." - ông Nguyễn Thắng Cảnh nói.

Khi được hỏi là: "Đồng ý là bình chú, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các ông gọi là "trích dẫn" song lại lấy toàn văn bài viết của người ta, ông giải thích ra sao?" Đại diện bị đơn, luật sư Nguyễn Thăng Cảnh trả lời: "Các bài viết của ông Nguyễn Quảng Tuân đều đã được đăng trên báo, tạp chí. Chúng tôi gọi việc làm của ông Tôn là hành động trích dẫn, nhưng là trích dẫn bài viết từ trên báo, tạp chí, chứ không phải trích dẫn từng đoạn của bài viết (?). Vả lại, bài viết sai lầm quá nhiều, sai lầm cơ bản trên toàn thể, nên buộc phải trích toàn bộ để... phê toàn bộ".

Cuộc kịch chiến chốn công đường của hai nhân vật lâu nay chỉ biết có "duy hữu độc thư cao" nay đã đi đến hồi lê thê, chán nản đối với sự theo dõi của người ngoài cuộc và mệt mỏi cả với người trong cuộc.

Theo lời đùa đùa thật thật của NNC Đào Thái Tôn thì, dai dẳng tranh đấu với nhau, chỉ có ông Cù Huy Hà Vũ là... "vớ bở" nhất.

Bởi vì, theo như chính ông Vũ "khoe", thì: thời gian làm cố vấn pháp luật cho ông Nguyễn Quảng Tuân cứ kéo dài thêm 6 tháng thì số tiền thuê lại tăng thêm 25 triệu (con số gốc là 50 triệu đồng). Mà nghe đâu ông Tuân lại giàu...(!).

Lập luận mới và quan trọng mà phía ông Đào Thái Tôn đưa ra lần này là: bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Hà Nội đã vi phạm tính bất hồi tố của pháp luật. Theo luật sư Nguyễn Thắng Cảnh: "Sách của thân chủ tôi in vào năm 2001, 2003 thì phải xử theo Luật hiện hành vào thời điểm đó, tức là Bộ luật Dân sự năm 1995. Song tuyên án của tòa lại căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Sở hữu Trí tuệ (có hiệu lực từ tháng 7/2006) và cả Luật Dân sự năm 1995. Viện dẫn 3 văn bản pháp luật, trong đó có 2 văn bản ra đời sau thời điểm in sách, đó là vi phạm tính bất hồi tố của pháp luật".

Về phía mình, cố vấn pháp luật của NNC Nguyễn Quảng Tuân tiếp tục khẳng định ông Tôn đã vi phạm bản quyền khi lấy toàn văn tác phẩm của người khác để in vào sách của mình với mục đích thương mại (thể hiện qua việc ông được lĩnh nhuận bút, còn sách thì bán ra thị trường, có đề giá bìa hẳn hoi).

TS Cù Huy Hà Vũ còn nhấn mạnh: "Việc xâm phạm bản quyền của ông Tôn là hành vi có ý thức. Bởi vì, một mặt ông Tôn khẳng định không cần xin phép ông Tuân, nhưng mặt khác, ông lại xin phép các tác giả khác có tác phẩm in trong cùng cuốn sách đó. Chứng cớ là ông Tôn đã ghi trong lời nói đầu cuốn sách: "Chúng tôi đã xin phép các tác giả đã từng dày công nghiên cứu Truyện Kiều như Vũ Đức Phúc, Nguyễn Văn Hoàn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đăng Na cho được in bài của các ông".

Chưa biết lần này ai thắng, ai thua, song mới ngày đầu "lâm trận", NNC Đào Thái Tôn đã vắng mặt vì mang bệnh....

(Theo bản tin VTC)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

HAI NHÀ VĂN KIỆN NHAU: ĐÀO THÁI TÔN THẮNG "TRẬN LƯỢT VỀ"!

TP - Phiên phúc thẩm vụ kiện quyền tác giả giữa 2 nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân và Đào Thái Tôn diễn ra hôm qua (14/6) tại TANDTC với kết quả ông Đào Thái Tôn thắng “trận lượt về”!.

Đào Thái Tôn và Cù Huy Hà Vũ – tình hữu hảo giữa chốn pháp đình  Ảnh: Đ.T.T

Trước đông đảo phóng viên báo chí và nhà nghiên cứu, tại tiền sảnh, luật sư Cù Huy Hà Vũ - người đại diện cho nguyên đơn Nguyễn Quảng Tuân - vẫn tỏ ra vui vẻ với ông Đào Thái Tôn.

Cuối tháng 5, phiên tòa này đã bị hoãn một lần do ông Đào Thái Tôn cáo ốm.

Phiên sơ thẩm nảy lửa diễn ra trong 2 ngày 25-26/12 năm ngoái, TAND TP Hà Nội tuyên xử buộc ông Tôn xin lỗi tại nhà riêng của ông Tuân tại TPHCM, thanh toán nhuận bút hơn 1 triệu đồng và bồi thường vật chất, tinh thần cho ông Tuân 25 triệu đồng. Tháng 1/2007, ông Tôn kháng cáo.

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh - người biện hộ cho bị đơn Đào Thái Tôn tiếp tục lập luận: Căn cứ điều 760 và 761 của Bộ luật Dân sự 1995, những bài của ông Tôn dùng in sách Văn bản Truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận đã đăng tải trên báo chí. Mục đích của ông Tôn là tranh luận chứ không phải kinh doanh. Tất nhiên, cái đích của ông Tôn nhắm đến là tòa tuyên hủy và đình chỉ vụ án.

Hai nhà văn, nhà Kiều học này gặp nhau duy nhất một lần năm 1994 trong một hội nghị quốc tế. Sau khi ông Nguyễn Quảng Tuân phê phán cố GS Hoàng Xuân Hãn, ông Đào Thái Tôn mới bắt đầu lên tiếng. Và cuộc tranh luận của họ về văn bản Truyện Kiều trở nên gay gắt nhất vào các năm 1997, 1999.

Luật sư Cù Huy Hà Vũ nói, bản thân ông Tôn đã thừa nhận trích và đưa toàn vẹn tác phẩm là không giống nhau được. Tòa hỏi: Ông đọc cuốn Văn bản Truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận chưa? Hà Vũ đáp: “Tôi đọc qua qua”.

Tòa hỏi tiếp: “Theo ông, 4 bài của ông Tuân được đưa vào cuốn sách của ông Tôn có cần thiết không?”. Luật sư Vũ: “Về mặt học thuật, tôi không có bình luận gì. Chủ thể của sách hợp tuyển và chủ thể của từng bài viết trong sách là khác nhau. Thực tế, ông Tôn đã xin phép tất cả các chủ thể, trừ ông Tuân”. 

Luật sư Hà Vũ cho biết thêm: “Sách xuất bản năm 2001 và tái bản năm 2003 nhưng ông Tôn không tặng sách cho ông Tuân, vì thế mãi sau này ông Tuân mới biết và rất từ từ khởi kiện. Nếu là tôi, tôi kiện ngay từ đầu”.

Phía nguyên đơn vẫn cho rằng phải dùng Bộ luật Dân sự 2005 mới đúng, nhưng Tòa khẳng định vụ việc xảy ra năm 2001, Việt Nam lại không có quy định hồi tố nên phải áp dụng Bộ luật Dân sự 1995.

Theo ông Đào Thái Tôn, việc trích dẫn toàn văn tác phẩm là rất phổ biến trong giới nghiên cứu, đặc biệt là ngành văn bản học. Chẳng hạn, GS Nguyễn Tài Cẩn vẫn ghi danh bản thân GS ngoài bìa một cuốn sách về Truyện Kiều, dù in toàn văn Truyện Kiều. Luật sư Hà Vũ bác bỏ: “Đại thi hào Nguyễn Du mất 300 năm trước, lúc đó chưa có Luật Sở hữu trí tuệ”.

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh không tham gia phần tranh luận, cho biết: “Tôi bào chữa miễn phí cho ông Tôn vì quý trọng ông cả trong thời chiến lẫn thời bình với những đóng góp lớn về nghiên cứu Hán Nôm, Truyện Kiều. Thân chủ của tôi không xâm phạm bản quyền! Đã nghiên cứu và thảo luận, dĩ nhiên phải có dẫn chứng xác thực.

Ông Tôn còn chỉ ra được 82 sai sót của ông Tuân, bởi thế giúp độc giả tránh những sai lầm khi cảm nhận Truyện Kiều. Hàm ý của ông Tôn là hiểu Truyện Kiều cho đúng. Ông Tôn chỉ được hưởng nhuận bút như các tác giả khác theo quy chế nhuận bút”.

Người biện hộ này cũng nói: Án sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng dân sự: các căn cứ không được nguyên đơn đính kèm gửi đến Hội đồng xét xử nhưng cơ quan xét xử vẫn thụ lý. Án sơ thẩm bỏ qua điều 760 Bộ luật Dân sự, chỉ dựa vào công văn của Cục Bản quyền tác giả VHNT (Bộ VHTT)- một văn bản chỉ để tham khảo chứ không phải là căn cứ quyết định. 

Tại phiên tòa, ông Tôn chợt phát hiện bản án mà ông Hà Vũ cầm trên tay ghi là “sơ thẩm lần một”, còn bản án ông được TAND Hà Nội tống đạt lại ghi “phúc thẩm lần một”. Ông Tôn nói: “Một bản án như thế này thì đã đủ lý do để hủy”.

Sau khi nghị án, xét thấy đây là 2 nhà Kiều học có nhiều bài tranh luận về văn bản Truyện Kiều, các bài của ông Nguyễn Quảng Tuân vẫn được in nguyên văn, không xuyên tạc và có đề tên tác giả, ông Tôn thực chất đã trích dẫn... giúp độc giả nhận biết những sai sót khi cảm thụ Truyện Kiều, tòa khẳng định: Ông Tôn không vi phạm bản quyền tác giả. Cấp sơ thẩm sai lầm khi căn cứ công văn của Cục Bản quyền tác giả-Bộ VHTT.

Trong tiếng vỗ tay của phần lớn người dự, tòa tuyên: Bác đơn khiếu kiện của ông Tuân, chấp nhận đơn phản tố của ông Đào Thái Tôn (về việc ông Nguyễn Quảng Tuân gửi đơn khắp các viện nghiên cứu, các trường đại học, cơ quan báo chí lẫn Ban TTVH T.Ư nói xấu ông Tôn).

Gần 12 giờ, luật sư Hà Vũ đứng tại phòng xử án trả lời phỏng vấn của báo chí: “Tòa đã không dựa vào căn cứ pháp luật. Không thể lấy những điều không có trong luật để xử như thế...”. Ông Tôn lại ôm lấy Cù Huy Hà Vũ, vui cho mình và cảm thông với người đối trọng với mình tại tòa: “Tôi với Vũ vẫn luôn như vậy!”.

(Theo báo Tiền Phong)

 

 

CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG:

Khi cần trợ giúp Pháp lý xin hãy liên hệ với chi nhánh Công ty Luật Hợp danh Cảnh Khôi

Giả danh Đại tá Quân đội để lừa đảo

Cảm nhận về Châu Âu

“Muốn quản lý được Blog thì phải có chế tài”

Vụ kiện Quyền tác giả Văn bản Truyện Kiều

Vụ tiêu cực tại công ty Sinhanco Vũng Tàu

Vụ án "Nhận hối lộ tập thể" ở Hải quan Tân Thanh