Pháp luật - Đời sống

Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng , chống ma túy

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam Khoá XII đã thông qua một số Luật như: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật năng lượng nguyên tử; Luật chữ thập đỏ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản, Luật Thuế giá trị gia tăng. Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma tuý. Đây là đạo luật được đông đảo các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, trí thức quan tâm. Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý, Tạp chí Hướng nghiệp & Hoà nhập xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn bộ nội dung sửa đổi của luật này.

Luật phòng, chống ma tuý được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 9/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2001. Các quy định của luật phòng, chống ma tuý đã thể hiện sự kiên quyết và triệt để của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh với tệ nạn ma tuý nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục tình trạng nghiện các chất ma tuý, dẫn đến tội phạm về ma tuý, loại trừ tội phạm ma tuý ra khỏi đời sống xã hội. Qua gần bảy năm thực hiện Luật phòng, chống ma tuý, năm 2000, công tác phòng chống ma tuý đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được những chuyển biến tích cực từ công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma tuý; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý; đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm về ma tuý; tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma tuý; không để tái diễn phức tạp việc trồng cây có chứa chất ma tuý.

Luật phòng, chống ma tuý năm 2000 còn thiếu các quy định về các điều kiện đảm bảo kinh phí, vật chất cho công tác phòng, chống ma tuý cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân, gia đình tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn ma tuý, nhất là trong chữa trị, cai nghiện ma tuý; tổ chức dạy nghề; tạo việc làm... để phòng, chống tái nghiện... Thực tiễn phòng, chống tệ nạn ma tuý cho thấy: Từ năm 2001 đến năm 2007, cả nước đã phát hiện, bắt giữ trên 76.000 vụ với gần 120.000 đối tượng phạm tội về ma tuý; triệt xoá hơn 4.200 điểm, tụ điểm phức tạp buôn bán lẻ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. So với giai đoạn 1995 đến năm 2000 thì giai đoạn từ 2001 đến 2007 đã tăng thêm 33% số vụ và 19% số đối tợng; lượng hêrôin thu giữ tăng gần 70%; ATS tăng trên 94%, thuốc tân dược gây nghiện tăng hơn 10%... Bước đầu đã kiểm soát được các loại thuốc tân dược gây nghiện , tiền chất sản xuất ma tuý tổng hợp ở nước ta. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không tái trồng cây có chất ma tuý tiếp tục được đẩy mạnh nên không tái diễn phức tạp. Nguồn ma tuý hợp pháp chủ yếu hiện nay từ nước ngoài đã vào nước ta mặc dù Chính phủ đã cho lập thêm lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý của Bộ đội biên phòng, lực lượng cảnh sát biển, cơ quan hải quan và cơ quan chống tội phạm để nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn ma tuý ngay từ biên giới, cửa khẩu nhưng hoạt động của các lực lượng này đang còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo tổng hợp báo cáo của các cơ quan, các lực lượng trên chỉ mới phát hiện, bắt giữ được dưới 10% số vụ trong khi lực lượng công an bắt giữ loại trọng tội này nói chung còn rất nhiều khó khăn. Trên 20 vạn lượt người nghiện được cai bằng các hình thức nhưng tỷ lệ tái nghiện rất cao. Đến cuối năm 2007, toàn quốc có 178.305 người nghiện ma tuý có hồ sơ kiểm soát (trung bình mỗi năm tăng trên dưới 1 vạn người nghiện mới).

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu tổng hợp thì trong thời gian tới, vì lợi nhuận cao, bọn tội phạm về ma tuý ở nước ngoài sẽ tìm mọi cách đưa trái phép ma tuý vào nước ta. Số người nghiện ma tuý vẫn có nguy cơ tiếp tục tăng, đặc biệt trong thanh, thiếu niên, người không có công ăn việc làm và lây lan nhanh về khu vực nông thôn đang đô thị hoá. Số người nghiện ma tuý tổng hợp và người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV - AIDS ngày càng nhiều. Người chết do nghiện ma tuý sẽ tăng. Các trung tâm cai nghiện hiện nay không đủ sức chứa người cần cai nghiện tập trung. Số người phạm tội và số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tệ nạn ma tuý, ở các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dục chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều... Tệ nạn ma tuý đã và đang là vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Một trong những nguyên nhân làm hạn chế đến hiệu quả phòng, chống tệ nạn ma tuý là do hệ thống pháp luật về phòng, chống ma tuý, trong đó có Luật phòng, chống ma tuý chưa thật đồng bộ và một số quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma tuý năm 2000 để giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng trong cuộc sống nhằm thực hiện Luật phòng, chống ma tuý và thực hiện chỉ thị số 21/CT-TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

Công an phường Phú Thượng, quận Tây Hồ thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền  phòng, chống ma tuy cho hoc sinh

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 29/01/1993 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, 10 năm thực hiện chỉ thị số 06, ngày 30/11/1996 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống ma tuý; Qua kinh nghiệm của bảy năm thực hiện Luật phòng, chống ma túy từ năm 2000; tiếp thu kinh nghiệm qua tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16, ngày 17/6/2003 của Quốc hội về đề án thí điểm quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Kế thừa những quy định đang phát huy tác dụng của Luật phòng, chống ma tuý năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; chủ động luật hóa các quy định của ba Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc (Công ước 1961, 1971, 1988) về kiểm soát ma tuý; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật về phòng chống ma tuý của các nước trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam cần phải tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để xác định và nâng cao nhận thức trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nhiệm vụ phòng, chống ma tuý, huy động sức mạnh tổng hợp nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để huy động các biện pháp đồng bộ, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma tuý thẩm lậu vào nước ta, đặc biệt là việc tổ chức cai nghiện cho tất cả người nghiện ma tuý, nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác cai nghiện.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma tuý hiện nay bổ sung 7 điều mới; sửa đổi, bổ sung 11 điều và bãi bỏ 1 điều. Cụ thể như sau: Bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống ma tuý của một số bộ, ngành; cơ quan chuyên trách phòng, chống ma tuý của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý. Bên cạnh đó luật sửa đổi một số điều của luật phòng, chống ma tuý quy định cụ thể hơn các biện pháp, hình thức, thời gian cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp phòng, chống tái nghiện. Mặt khác, luật còn quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong phòng, chống tệ nạn ma tuý, đặc biệt đề cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Luật cũng quy định cụ thể về các điều kiện đảm bảo của Nhà nước, chính quyền các cấp và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn ma tuý, trong đó, quy định về nguyên tắc và các biện pháp can thiệp nhằm giảm tác hại của nghiện ma tuý cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý lần này, Luật đã quy định trách nhiệm phòng, chống ma tuý với sự bổ sung vào điều 13 một khoản quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý của Bộ đội biên phòng, lực lượng cảnh sát biển, cơ quan hải quan. Trong thời gian qua, việc quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần cơ bản thực hiện theo quy định của Nhà nước nên không sửa đổi, bổ sung nhiều. Tuy nhiên, Luật đã bổ sung một số quy định ở điều 22 cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, kiểm soát và phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và công tác giám định, đào tạo huấn luyện lực lượng phòng chống ma tuý. Về vấn đề cai nghiện ma tuý, sửa đổi một số nội dung, trong đo,ù tập trung vào quy định về thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện, bổ sung quy định cụ thể và chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với cá nhân, gia đình, tổ chức trong nước và nước ngoài có thành tích trong tự nguyện và tích cực tham gia công tác cai nghiện ma tuý, phòng, chống tái nghiện ma tuý. Điều 26 Luật phòng, chống ma tuý năm 2000 quy định: người nghiện ma tuý có trách nhiệm khai báo tình trạng nghiện ma tuý và đăng ký hình thức cai nghiện ma tuý. Song, 7 năm qua, quy định này không được triển khai vì luật chưa quy định rõ cơ chế thực hiện. Lần này, luật được sửa đổi điều 26 theo hướng quy định: gia đình người nghiện ma tuý phải có trách nhiệm báo cho chính quyền cơ sở và đăng ký hình thức cai nghiện cho người nghiện thuộc gia đình mình (điểm a); đồng thời, bổ sung điều 26a: giao cho Chính quyền cơ sở tổ chức cho người nghiện đăng ký tình trạng nghiện và hình thức cai nghiện; Công an cấp xã chủ trì giúp Chính quyền cơ sở thực hiện việc này; bổ sung điều 26b quy định các biện pháp và hình thức cai nghiện. Điều 27 luật phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: các cơ quan, tổ chức ở địa phương có trách nhiệm hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động cai nghiện và thời gian tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Luật sửa đổi, bổ sung mới ở điều 27 thành 4 khoản. Đáng lưu ý là: bổ sung quy định thời gian cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng là từ 6 tháng đến 12 tháng. Chính quyền cơ sở có trách nhiệm chủ trì tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (khoản 2). Điều 30 được sửa đổi, bổ sung thành 2 khoản và quy định thêm trách nhiệm của người nghiện sau khi đã hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc trở về nơi cư trú nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tái nghiện. Điều 31 được bổ sung quy định về việc cai nghiện cho người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên ở nơi cư trú nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tái nghiện. Điều 31 được bổ sung quy định về việc cai nghiện cho người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên ở trại tạm giam, trại giam, các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng mà bị nghiện ma tuý. Bổ sung điều 32a, quy định về xử lý người đang cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn hoặc phạm tội. Về giảm tác hại của tệ nạn ma tuý, trong thời gian qua, tệ nạn ma tuý đã gây hậu quả nhiều mặt như: gây mất trật tự xã hội, là nguồn gốc phát sinh tội phạm, đặc biệt lây nhiễm HIV/AIDS qua tiêm chích ma tuý gia tăng và gây tổn hại lớn về kinh tế. Số người chết do sử dụng ma tuý cao và số người lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tiêm chích ma tuý chiếm tỷ lệ hơn 70%. Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi lần này bổ sung điều 34a quy định về nguyên tắc, biện pháp can thiệp, nhằm giảm tác hại của tệ nạn nghiện ma tuý gây ra. Những vấn đề cụ thể, giao cho chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện. Đây là vấn đề mới cần phải có sự nhận thức thống nhất cao và đồng thuận về chủ trương này.

Đối với vấn đề quản lý Nhà nước về phòng, chống ma tuý, Luật phòng, chống ma tuý năm 2000 chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong công tác phòng, chống ma tuý.

Vì vậy, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung 2 điều. Điều 38a, điều 38b, bổ sung vào sau điều 38, quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính trong chỉ đạo đấu tranh phòng, chống ma tuý; sửa điều 40 (khoản b) và thêm khoản d quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ y tế và các cơ sở y tế; bổ sung điều 42a trong công tác phòng, chống ma tuý; sửa tên Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương; sửa tên ủy ban Dân tộc miền núi thành ủy ban Dân tộc và đề cao trách nhiệm của ủy ban Dân tộc trong phối hợp phòng, chống tệ nạn ma túy ở miền núi và đồng bào các vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức các biện pháp cắt cơn nghiện ma tuý là một khâu quan trọng trong tổ chức cai nghiện ma tuý. Hiện nay, nhiều tỉnh giao cho cơ sở y tế xã, phường tổ chức các biện pháp cắt cơn nghiện cho người nghiện ma tuý tại xã, phường, thị trấn; một số bệnh viện đã tổ chức cắt cơn nghiện theo yêu cầu của gia đình người nghiện. Hoạt động trên phù hợp với chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa công tác cai nghiện. Vì vậy, Luật sửa đổi quy định bổ sung nhiệm vụ của Bộ Y tế là: "Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc cắt cơn nghiện cho người nghiện ma tuý và tham gia việc xét nghiệm, xác định người nghiện ma túy ở các xã, phường, thị trấn". Có thể nói: đây là một Đạo luật được sửa đổi, bổ sung khá hoàn chỉnh, bảo đảm cho việc thực thi pháp luật về phòng, chống ma tuý ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội về ma tuý trong cả cộng đồng. Tất cả các Đạo luật trên đều có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Nhà báo - Luật sư: Nguyễn Thắng Cảnh

(Theo Tạp chí Hướng nghiệp & Hòa nhập)