Pháp luật - Đời sống

Sau hơn hai năm Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt của nền kinh tế - xã hội, đã nảy sinh một số yếu kém, bất cập trong quản lý hành chính nhà nước. Hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là tệ tham nhũng có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, tham nhũng đã và đang len lỏi vào mọi cơ quan, tổ chức, không từ một lĩnh vực nào. Để nâng cao hiệu quả của việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương, pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước và tập thể; quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân, ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (LPCTN). Ngay sau khi LPCTN có hiệu lực pháp luật, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc thành lập, đi vào hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng; thành lập các đơn vị chuyên trách Phòng chống tham nhũng thuộc Bộ công an, Viện KSND Tối cao, Thanh tra chính phủ, kết quả đấu tranh chống tội phạm tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Một số vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá một cách nhanh chóng.

Vụ án PMU 18 Bộ GTVT, khởi tố 13 đối tượng tham ô tại Ban điều hành dự án Cầu Bãi Cháy, Quảng Ninh. Kết quả điều tra cho thấy: Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng giám đốc PMU 18 và Phạm Tiến Dũng, nguyên Trưởng phòng dự án đã chỉ đạo lập khống danh sách nhân viên tư vấn bổ sung, gửi nhà thầu để rút tiền, chia chác cho nhau, trong đó nhà thầu hưởng 25%, PMU 18 chiếm đoạt 75%.

Vụ án sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh: Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khoẻ đã chỉ đạo cả ê kíp dưới quyền để giả mạo hồ sơ, đền bù khống đất đai cho các hộ dân; qua mặt chính quyền cấp trên, chuyển quyền sử dụng đất trái quy định, trục lợi hàng tỷ đồng. Nguyên Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khoẻ và nhiều cán bộ cấp phòng ở huyện và cán bộ cấp phòng ở huyện và cán bộ UBND một số xã ở Hóc Môn đã bị truy tố trước pháp luật.

Vụ tham nhũng, cố ý làm trái xảy ra tại Sở quản lý vốn và ngoại tệ thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, CQĐT đã khởi tố 2 bị can. Điều đáng chú ý ở vụ án này là: đã xuất hiện một loại tội phạm mới, thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng việc quản lý còn sơ hở để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng đã giao dịch, mua bán ngoại tệ trên máy Reuter vượt quá giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản XHCN.

Vụ nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Vinaconex 10 (Đà Nẵng): Sau khi bắt quả tang Nguyễn Đình Thản, Giám đốc Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu 10, đang nhận hối lộ 200 triệu đồng, CQĐT đã mở rộng vụ án, khởi tố thêm 5 đối tượng về hành vi đưa và nhận hối lộ, 3 bị can bị khởi tố về hành vi lập quỹ trái phép.

Vụ chia chác đất đai tại Quán Nam - TP Hải Phòng: Trong tổng số 868 lô đất được giao thuộc dự án cấp đất làm nhà ở tại Quán Nam (phường Dư Hàng Kênh, Quận An Dương, Hải Phòng), có tới hàng trăm trường hợp giao đất không đúng quy định. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án này có nhiều sai phạm như: Phá vỡ quy hoạch, giao đất sai đối tượng, xác định sai chủ đầu tư, vi phạm nghiêm trọng các thủ tục xây dựng cơ bản và chế độ báo cáo, gây dư luận xấu trong nhân dân. Sau khi Bộ công an chỉ đạo công an TP Hải Phòng vào cuộc, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam một số cán bộ có trách nhiệm của thành phố, trong đó có cả nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Chu Minh Tuấn, người trực tiếp thực hiện chủ trương tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có trách nhiệm liên quan của một số vị nguyên là lãnh đạo các cơ quan chức năng của thành phố, kể cả nguyên Phó chủ tịch UBND TP Vũ Chí Thanh.

Vụ tham nhũng, tiêu cực tại Tổng công ty vật tư nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn): Sai phạm nghiêm trọng kéo dài nhưng bị che dấu sau hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Ngày 30/11/2007, cục CSĐT tội phạm tham nhũng đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Hiền về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. CQĐT đang làm rõ việc nguyên Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh và các đối tượng đã biến hàng tỷ đồng của nhà nước thành tiền riêng để tiêu xài; sử dụng xe quá đắt tiền, vượt định mức, gây lãng phí lớn.

Vụ tham nhũng đất đai tại Sơn La: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, một số đối tượng của ban quản lý dự án đô thị Sơn La đã cấu kết các đối tượng khác, thực hiện sai chế độ, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đất mở rộng đường số 6 với tổng số tiền thất thoát lên tới hơn 16 tỷ đồng và chiếm đoạt hàng nghìn mét vuông đất, trong đó mới thu hồi được 2,4 tỷ đồng. 9 đối tượng thuộc Ban quản lý dự án đô thị Thành phố Sơn La và một số cán bộ địa chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã bị khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" và tội "tham ô tài sản".

Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn buôn lậu, lừa đảo, đưa và nhận hối lộ, xảy ra tại công ty TNHH Thiên Lợi Hoà (Lào Cai): Đường giây buôn lậu này hết sức tinh vi và phức tạp do Vũ Thị Liên, Giám đốc Công ty Thiên Lợi Hoà cấu kết với một số đối tượng thoái hoá, biến chất trong cơ quan nhà nước ở Lào Cai để lập hợp đồng giả, thực hiện hành vi buôn lậu 11.257 tấn thuốc lá, đưa và nhận hối lộ hơn 1,6 tỷ đồng. Vụ án đã được điều tra, kết luận chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao để truy tố 25 bị can, trong đó có nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Ngọc Kim  về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ".

Vụ tham ô, cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban quản lý dự án di tích lịch sử Điện Biên Phủ: Vụ án xảy ra từ năm 2004 khi công trình được xây dựng để chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 2007, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng chính thức khởi tố, điều tra làm rõ các vi phạm của vụ án. Qua điều tra, đã sáng tỏ một vấn đề: Các đối tượng vi phạm cấu kết, móc nối để biển thủ tiền công quỹ từ khâu thi công, giám sát thi công, đến việc nghiệm thu công trình, "rút ruột" tới 58 tấn đồng. Chúng còn lập chứng từ khống để rút ra 265 triệu đồng, đưa và nhận hối lộ 500 triệu đồng. Bảy đối tượng đã bị khởi tố, trong đó có 5 bị can bị bắt tạm giam.

Vụ tham nhũng, tiêu cực tại Ban điều hành đề án 112 của Chính phủ: Với tổng kinh phí sử dụng cho đề án 112 là 1.159,636 đồng trên tổng số kinh phí được cấp phát là 1.534,325 tỷ đồng, các đối tượng đã chi sai mục đích, gây thất thoát 247,19 tỷ đồng (kết luận của Kiểm toán nhà nước). Vụ án có tính chất đặt biệt nghiêm trọng là: Sai phạm xảy ra ở quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng và địa bàn rộng, làm cho nhiều yêu cầu của chương trình tin học hoá hệ thống hành chính nhà nước không thực hiện được. ở vụ án này, 16 đối tượng đã bị khởi tố, trong đó có Vũ Đình Thuần, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban điều hành đề án 112.

Trên thế giới, tham nhũng như một bệnh nan y, ở quốc gia nào cũng phải phòng, chống. ở Hàn Quốc, Tổng thống vừa trúng cử, khi có đơn tố cáo tham nhũng, lập tức được điều tra, kết luận. Một số vị nguyên là Tổng thống, con trai Tổng thống, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn kinh tế lớn, đã vi phạm pháp luật là phải xử lý. Nhiều quốc gia khác, luật pháp không loại trừ ai. Họ "quét mạng nhện" từ trần nhà trở xuống. Còn ở nước ta, một Bộ trưởng và nhiều Thứ trưởng, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch cấp tỉnh, thành phố đã bị xử lý hoặc bị điểm tên nhưng "mạng nhện vẫn còn nhằng nhịt". Luật phòng, chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả ban đầu, rất đáng khích lệ. Song cuộc đấu tranh này rất cần một chế tài minh bạch, một hành động thống nhất và sức mạnh của toàn dân. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chắc chắn hiệu quả đấu tranh, phòng chống tham nhũng sẽ ngày càng có kết quả cao hơn

Nhà báo - Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh

(Theo Tạp chí Hướng nghiệp & Hòa nhập)