Vụ án hành chính của bà Ngô Thị Rào ở thị trấn Văn Điển (Hà Nội)vi phạm pháp luật nghiêm trọng: Vì sao Viện KSNDTC rút lại kháng nghị?

Năm 1957, vợ chồng ông Phạm Tiến Dũng, bà Ngô Thị Rào có mua của ông Ngô Văn Trà ở làng Tựu Liệt, xã Tam Hiệp một thửa ruộng có diện tích là 2 sào 3 thước (khoảng 729m2), có vị trí liền kề với khu đất ở của gia đình về phía bắc.
Quá trình gia đình ông bà sử dụng, khai thác đất để làm gạch cho đến năm 1970-1974 thì mảnh ruộng đó thành ao như hiện nay, chỉ còn khoảng 50m2 là đất liền kề. Gia đình ông bà quản lý thửa đất trên liên tục từ năm 1958 đến nay, chưa chuyển nhượng và tặng cho ai.
Đầu năm 1974, do ông Phạm Tiến Dũng có quan hệ quen biết với ông Nguyễn Văn San, trú tại khu tập thể Yên Ngưu, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội nên gia đình bà đồng ý cho ông San mượn 30m2 đất để làm nhà ở nhưng không lập thành văn bản. Giữa năm 1974, ông San làm nhà xong nhưng không dọn đến ở nên ngôi nhà đó bỏ không từ đó đến nay, gia đình bà vẫn trông nom, quản lý và sử dụng toàn bộ thửa đất.
Đến tháng 4-2002, có hai người tự xưng là người nhà của ông Nguyễn Văn Nhân đến san lấp thửa đất ao của gia đình bà Rào, đồng thời có đưa ra một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10123010165 của UBND TP Hà Nội cấp ngày 5-3-2001 mang tên hộ ông Nguyễn Đông và bà Nguyễn Thị Bắc (vợ ông Đông) đối với diện tích đất và ao trên. Sau khi sự việc tranh chấp xảy ra, gia đình bà Rào đã làm đơn khiếu nại và cho rằng ông San là người mượn đất của gia đình bà, đã giả mạo giấy tờ mua bán với ông Phạm Tiến Dũng là chồng bà để hợp thức hoá việc mua bán đất giữa ông với ông Nguyễn Văn Nhân và để ông Đông (con ông Nhân) làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở nêu trên. Quá trình khiếu nại thì ngày 5-3-2001, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1263/QĐ-UB về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho 67 hộ gia đình cá nhân, trong đó có hộ ông Đông, bà Bắc. Không đồng ý với Quyết định 1263 nêu trên, gia đình bà Rào làm đơn khiếu nại quyết định này. Ngày 3-10-2007, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 3925/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại. Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, ngày 30-10-2007, bà Rào có đơn khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định 1263/QĐ-UB ngày 5-3-2001 của UBND TP Hà Nội về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho ông Nguyễn Đông và bà Nguyễn Thị Bắc, yêu cầu TAND TP Hà Nội huỷ quyết định này. Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2008/HCST ngày 14-8-2008, TAND TP Hà Nội Hà Nội đã quyết định:
- Bác yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị Rào về việc đề nghị huỷ Quyết định số 1263/QĐ-UB ngày 5-3-2001 của UBND TP Hà Nội; giữ nguyên Quyết định số 1263/QĐ-UB ngày 5-3-2001 của UBND TP Hà Nội.
Ngày 18-8-2008, đại diện theo uỷ quyền của bà Ngô Thị Rào là anh Nguyễn Văn Hùng có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 19-1-2009 Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội ra Bản án hành chính phúc thẩm số 11/2009/HCPT và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bà Rào phải nộp 50.000 đồng án phí phúc thẩm.
Không đồng tình với phán quyết của án phúc thẩm TANDTC, bà Rào có đơn khiếu nại Bản án hành chính phúc thẩm số 11/2009/HCPT ngày 19-1-2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC Hà Nội đến Viện KSNDTC để xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Sau một thời gian xem xét, Viện KSNDTC đã phát hiện ra một loạt sai phạm như:
- Về nguồn ngốc mảnh đất: Mảnh đất ông Đông, bà Bắc đứng tên có 34m2 nhà trên diện tích 556,3m2 đất là do năm 1958 gia đình ông Trà và vợ hai ông Trà bán cho vợ chồng ông Phạm Tiến Dũng và bà Ngô Thị Rào. Năm 1991, ông Dũng chết. Ngày 20-9-1974, ông Phạm Tiến Dũng có viết giấy cho ông Nguyễn Văn San - giấy này trong hồ sơ vụ án thể hiện chỉ là giấy biên nhận tiền, là bản phô tô, không có chứng thực, công chứng. Đến năm 1979, ông Nguyễn Văn San bán lại cho ông Nguyễn Văn Nhân, ông Nhân chết để lại cho con là ông Đông, bà Bắc và kê khai từ năm 1992.
Giả sử giấy biên nhận tiền của ông Phạm Tiến Dũng viết vào ngày 20-9-1974 thể hiện nội dung: Ông Dũng nhận 200 đồng để nhượng lại toàn bộ mảnh đất tại khu Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cho ông San là có thật đi chăng nữa thì giấy tờ này cũng không hợp pháp, vì tại thời điểm này, ông Dũng và bà Rào còn đang tồn tại quan hệ hôn nhân và theo quy định tại Điều 15, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 vẫn có hiệu lực thi hành, thì mảnh đất đó phải coi là tài sản chung của hai vợ chồng ông Dũng, bà Bắc. Nghĩa là ông Dũng không có quyền định đoạt mảnh đất nêu trên, vì 1/2 mảnh đất đó thuộc quyền định đoạt của bà Rào. Hơn nữa, giấy biên nhận đó không có người làm chứng và đặc biệt là không có xác nhận của chính quyền địa phương, có thể khẳng định đây là giấy tờ mua bán không hợp pháp, vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, trái với quy định về giao kết hợp đồng dân sự mà pháp luật dân sự quy định. Tuy nhiên, Toà án cấp phúc thẩm đã không xem xét làm rõ vấn đề này.
Ngoài ra, tài liệu giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất mà ông Đông, bà Bắc xuất trình trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất trên là tài liệu không có giá trị pháp lý như: Giấy chuyển nhượng đất giữa ông San và ông Nhân (giấy tờ này không có giá trị pháp lý vì ông San không phải là chủ sở hữu nhà, chủ sử dụng thửa đất trên, mặt khác, giấy chuyển nhượng này không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chưa sang tên trước bạ). Hơn nữa, ông Đông , bà Bắc chưa bao giờ quản lý, sử dụng và không xuất trình được giấy tờ chứng minh là đã được ông Nhân cho sử dụng nhà, đất trên.
Như vậy, việc Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyến sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở khu 136 Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển bỏ qua không xác minh xem xét các yếu tố trên dẫn đến việc công nhận việc chuyển nhượng đất giữa ông Dũng và ông San, giữa ông San và ông Nhân dựa trên các giấy tờ, tài liệu không hợp pháp là trái quy định tại Điều 10, Nghị định số 60/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đô thị; sai nguyên tắc quy định tại Điểm 1.8, Điều 4, Quyết định số 69/1999/QĐ-UB ngày 18-8-1999 của UBND TP Hà Nội.
Từ những phân tích trên cho thấy Quyết định 1263/QĐ-UB ngày 5-3-2001 của UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho ông Đông, bà Bắc là trái với quy định tại Điều 10, Nghị định số 60/CP và Điểm 1.8, Điều 4, Quyết định số 69/1999/QĐ-UB cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người không đủ điều kiện được xét cấp, nên Viện KSNDTC quyết định kháng nghị Bản án hành chính phúc thẩm số 11/2009/HCPT của Toà phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội theo trình tự giám đốc thẩm; đề nghị Hội đồng thẩm phán - TANDTC xử huỷ Bản án hành chính phúc thẩm số 11/2009/HCPT của Toà phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội, Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2008/HCST ngày 14-8-2008 của TAND TP Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho toà án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Tạm đình chỉ thi hành Bản án hành chính phúc thẩm số 11/2009/HCPT của Toà phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm.
Bản quyết định kháng nghị này là hoàn toàn đúng pháp luật, có lý có tình nhưng trớ trêu thay, không hiểu vì lí do gì, ngày 19-5-2010, Viện KSNDTC lại ra Quyết định số 02/QĐ/RKN-GĐTHC rút Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 43/QĐ/KNGĐT-HC của Viện trưởng VKSNDTC mà không nêu rõ lý do. Bức xúc với việc làm trên, bà Ngô Thị Rào lại làm đơn khiếu nại đến Văn phòng Chủ tịch nước; Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng… Các cơ quan này đã có nhiều văn bản yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC khẩn trương xem xét lại việc này. Ngày 25-1-2011, TANDTC đã có Văn bản số 10/TANDTC-HC do Phó chánh án Trần Văn Tú ký, gửi Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, thông báo lại quá trình giải quyết vụ án, nội dung như sau: “Ngày 19-5-2010, Viện trưởng Viện KSNDTC đã ra Quyết định số 02/QĐ/RKN-GĐTHC rút Quyết định kháng nghị số 43/QĐ/KNGĐT-V12 ngày 24-12-2009, với lý do không cần thiết kháng nghị đối với bản án hành chính phúc thẩm nói trên. Do vậy, TANDTC đã xóa sổ thụ lý xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án hành chính này. Hiện nay, Viện KSNDTC đang giữ hồ sơ vụ án hành chính; TANDTC sẽ phối hợp với Viện KSNDTC để tiếp tục nghiên cứu, xem xét vụ án hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả giải quyết vụ án hành chính, TANDTC thông báo đến Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng”. Nhưng suốt từ bấy đến nay, gia đình bà Rào vẫn không nhận được sự hồi âm từ phía cơ quan TANDTC. Vụ án đang có nguy cơ bị chìm xuồng.
Thắng Cảnh