Thu nợ tín dụng sinh viên: Bắc thang lên hỏi ông trời


Sinh viên vay tiền tại ngân hàng chính sách xã hội. (Ảnh: VNN)
Giải pháp vòng quanh
Bà Nguyễn Ngọc Lan (trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên, Đại học Ngoại thương) cho biết, sau hơn nửa năm học triển khai cho sinh viên (SV) vay vốn, hiện nay đã có khoảng 1/5 số lượng đơn SV nộp về trường được vay vốn.
Tuy nhiên, nhà trường chưa nhận được danh sách số SV này từ phía ngân hàng. Và hiện cũng chưa thấy có một cuộc họp bàn, hay chỉ đạo việc “vay rồi trả như thế nào” đối với SV.
Về phía Bộ GD-ĐT, ông Lã Quý Đôn (phó vụ trưởng vụ Công tác học sinh - SV) cho biết, việc thu hồi vốn cho SV hoàn toàn thuộc về phía ngân hàng. Trong các buổi làm việc với bộ, ngân hàng cho rằng khả năng thu hồi vốn hoàn toàn trong tầm tay.
Một số ý kiến cho rằng bên cạnh bảng điểm của SV nên thêm một biên bản ghi nợ để công ty hay tổ chức tiếp nhận SV có trách nhiệm đốc thúc người vay hoàn trả đúng số tiền nợ, đúng thời hạn. Tuy nhiên, giám đốc công ty máy tính DTT Nguyễn Thế Trung cho hay: “Các doanh nghiệp sẽ phản đối bởi họ sẽ phải thêm việc, thêm trách nhiệm, thậm chí sẽ ngại tuyển dụng các SV như thế”.
Một chuyên viên của ngân hàng chính sách xã hội cho biết, việc vay vốn tín dụng cho SV mới dừng ở việc vay, chưa tính đến chuyện trả. Về pháp lý, SV cũng như những người dân bình thường. Chính phủ đã có tất cả các quy định về việc xử lý rủi ro nếu không trả nợ đúng thời hạn. Nếu SV trả nợ không đúng thời hạn sẽ bị tăng lãi suất theo quy định, cái khó chỉ là không đủ vốn quay vòng cho các lứa SV sau.
Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, việc thu nợ không thật sự khó bởi trong mỗi hồ sơ vay đều thể hiện những thông tin như: hộ khẩu, số CMND, người bảo lãnh... SV có thể thay đổi nhiều chỗ làm, chỗ ở nhưng nếu quản lý theo chủ hộ gia đình bố hoặc mẹ SV thông qua UBND xã nơi cư trú của SV thì các cơ quan chức năng có thể chế tài được những SV, học sinh không trả nợ khi ra trường và đi làm.
Trong khi đợi “nghiên cứu phương án”, nhà trường “chờ” bộ, bộ “đẩy” sang ngân hàng, ngân hàng “còn lạc quan” thì việc người dân “vay cứ vay, được lúc nào hay lúc đó, sau này con mình không trả được thì mình trả” một cách rất mơ hồ là hoàn toàn dễ hiểu.
Kẽ hở nứt dần
Theo thống kê của ngân hàng chính sách xã hội, khi mức vay 300.000 đồng/tháng trước đây, tỷ lệ nợ quá hạn của SV các năm trước đã là 13%. Như vậy, nếu số tiền vay của SV không còn là 3 triệu đồng/năm mà lên 8 triệu đồng/năm thì mức rủi ro cho phía ngân hàng càng cao hơn.
Ông Đoàn Phúc Thanh (trưởng phòng đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, trong các chương trình vay trước kia, vốn trực tiếp đến tay SV, việc trả nợ được giám sát bởi các tổ chức SV trong trường. Đa phần, SV còn có ý thức cao trong việc trả nợ. Còn hiện tại, các đối tượng hộ gia đình sử dụng thế nào với số tiền vay ưu đãi này không thể biết, trách nhiệm thanh toán của SV bị giảm nhẹ.
Tình trạng “con vay vốn, cha mẹ sử dụng” không còn là hiếm khi không ít trường hợp có sự thoả hiệp giữa phụ huynh và con em nhằm vay vốn ưu đãi để giúp gia đình làm ăn. Gia đình ông Nguyễn Huy Văn (Hoài Đức, Hà Tây) có hai con hiện đang học đại học. Với việc kinh doanh đồ thủ công của gia đình đang cần vốn, ông Văn cho rằng với lãi suất chỉ 0,5%/tháng, thời hạn trả nợ tổng cộng đến gần 9 năm thì theo ông dại gì mà không vay.