Gặp gỡ ở Đài Loan

Chị Hợp cùng gia đình người chủ Đài Loan

            Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những thị trường hấp dẫn cho việc xuất khẩu lao động của Việt Nam hiện nay. Trong năm qua đã có hàng nghìn người Việt Nam đến Đài Loan để làm ăn và sinh sống dưới nhiều hình thức như lao động, du học hoặc lấy chồng. Mức thu nhập của họ khá ổn định. Song cũng có những thông tin trái chiều, nhiều người lao động kể cả cô dâu bị chủ nhà ở Đài Loan ngược đãi, gây nên ấn tượng không tốt trong mối quan hệ bang giao. Thượng tuần tháng 02-2009, được sự giúp đỡ tận tình của đại diện Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, tôi đã đến Đài Loan để tìm hiểu việc này. Tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với đại diện của chính quyền Đài Loan cũng như với cộng đồng người Việt ở đây. 

Trưởng phòng Du, người của Ủy ban Kiều Vụ cho biết: Việt Nam và Đài Loan có nền văn hóa tương đồng. Đất nước Việt Nam to đẹp, người Việt Nam mến khách, chính vì thế có 3.000 người Đài Loan sang đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay mỗi ngày có 11 chuyến bay từ Đài Loan đến Hà Nội; mỗi tháng có 20.000 lượt người Đài Loan đến Việt Nam để tham quan du lịch.

Ông Lý, Trưởng phòng phụ trách lao động nước ngoài Ủy ban Lao động cho biết: Hiện tại Đài Loan đang quản lý hơn 35 vạn người lao động nước ngoài, gồm người Thái Lan, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và trong số này có 8 vạn lao động Việt Nam. Hầu hết chủ lao động Đài Loan vẫn thích lao động người Việt Nam hơn các nước khác vì có tính cần cù, chịu khó, không quản ngại bất cứ công việc gì và làm việc rất có trách nhiệm, thích làm thêm giờ, không tổ chức đình công hoặc dùng áp lực để đòi chủ tăng lương v.v.. Trước đây có những công việc làm vào ban đêm, người Đài Loan phải thuê lao động nước ngoài. Năm nay kinh tế Đài Loan bị suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở Đài Loan đang tăng cao nên họ chấp nhận làm cả công việc vào ban đêm để có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Chính vì thế nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài bị cắt giảm và Đài Loan hiện có chủ trương không tuyển mới lao động từ nước ngoài vào. Quan điểm của phía Đài Loan là: Cố gắng duy trì số lao động đang làm việc tại Đài Loan. Dự kiến Đài Loan sẽ giữ lại số đông người lao động Việt Nam, còn trả về những người lao động từ các nước Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan. Ông Lý còn giải thích rõ ràng hơn rằng, người lao động Việt Nam đến Đài Loan bằng hai cách: Một là chủ tự nhận, hai là thông qua môi giới. Phí phục vụ cho người lao động muốn được sang làm việc tại Đài Loan là do người lao động trực tiếp ký với công ty môi giới. Số tiền này nhằm phục vụ cho người lao động khi họ muốn thay đổi chủ thì được thuận lợi, tiền phí này là hợp pháp. Hiện nay cũng chưa có quy định mức thu tối đa là bao nhiêu, nhưng cứ tạm tính năm đầu tiên người lao động phải nộp 1.900 Đài tệ/tháng, tương đương 900.000 đồng Việt Nam; năm thứ 2 giảm xuống còn 1.700 Đài tệ/tháng, năm thứ 3 giảm xuống còn 1.500 Đài tệ. Nếu chủ nào thu cao hơn, người lao động có đơn gửi, Cơ quan lao động sẽ can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho họ. Hiện nay Đài Loan đang có hướng thay đổi để cho người lao động có thể trực tiếp không qua môi giới và không mất phí dịch vụ nữa vì họ biết rằng, một người Việt Nam muốn sang Đài Loan làm việc thì tốn khoảng 8.000USD, phí này rất cao, không phù hợp cho người lao động. Trong khi đó phía Đài Loan không cần đến mức phí như vậy. Thực chất các trung tâm môi giới lấy chênh lệch cao, điều này đã tạo ra dư luận không tốt. Hiện tại, một lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc có thu nhập bình quân mỗi tháng được 17.800 Đài tệ, tương đương 8 triệu đồng Việt Nam với thời hạn được phép lao động tại Đài Loan là 6 năm và phía Đài Loan đang có chủ trương kéo dài đến 9 năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có công ăn việc làm ở Đài Loan ổn định. Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm là tình trạng người lao động Việt Nam sang Đài Loan bỏ trốn rất đông. Theo con số thống kê mới nhất, hiện có khoảng hơn 2 vạn người lao động nước ngoài tại Đài Loan bỏ trốn, trong đó có khoảng một vạn lao động Việt Nam, chiếm 46%. Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính dẫn đến việc lao động bỏ trốn. Không hiểu họ không đồng ý với mức lương mà các công ty đã trả hay họ cho rằng trốn ra ngoài kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu người lao động nước ngoài bỏ trốn mà nhà chức trách bắt được thì họ sẽ bị tạm giam, xét hỏi rồi buộc phải hồi hương. Hiện hai bên, Đài Loan và Việt Nam, đang hoàn tất đề án nhằm phối hợp giải quyết tốt việc này.

 

Ông Thái, người Đài Bắc là người giúp đấu tranh đòi lại quyền nuôi con và tiếp tục ở lại cư trú tại Đài Loan của mẹ con chị Trần Thị Ngọc Ngân ly hôn chồng ở Đài Loan

            Trả lời câu hỏi của tôi trong buổi làm việc tại Cơ quan Tư pháp Đài Loan về tình trạng cô dâu Việt Nam lấy chồng tại Đài Loan bị ngược đãi thì Pháp luật Đài Loan có chính sách gì để bảo vệ họ, ông Lâm, kiểm sát viên phụ trách các vấn đề người nước ngoài tại Đài Loan nói rõ: Luật pháp Đài Loan bảo vệ người bị hại, bất kể họ là người nước ngoài hay người Đài Loan đều bình đẳng. Người nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam, nếu là người bị hại sẽ được bảo vệ an toàn, bố trí nơi ở hợp pháp, tạo công ăn việc làm phù hợp và có thêm ưu đãi như được tạo điều kiện học tiếng Trung, được giúp đỡ pháp lý khi cần thiết. Chính quyền địa phương cương quyết xử lý những người phạm tội ngược đãi phụ nữ và xử lý hình sự nghiêm khắc đối với tội buôn bán người (không phân biệt nam, nữ). Đặc biệt, hiện nay Đài Loan đã có quy định cấm môi giới hôn nhân nên hy vọng các cuộc hôn nhân Đài - Việt xuất phát từ tình yêu và tự nguyện chứ không còn là nỗi ám ảnh “mua bán” như trước đây. Theo quan niệm của người Đài Loan, nếu vợ chồng lấy nhau mà phải ly hôn, vợ bỏ về nhà, thì khi đó cả hai bên đều cảm thấy tổn thất về tinh thần rất lớn, vì thế số lượng ly hôn không nhiều. 

Rời các cơ quan hữu trách của Đài Loan đóng tại Đài Bắc, tôi tìm đến Cao Hùng, Đài Trung và Đào Viên - những thành phố lớn của Đài Loan, nơi có nhiều người lao động và sinh viên Việt Nam sinh sống. Đi đâu tôi cũng được đón tiếp nồng hậu, ân tình của người xứ Đài. Tại thành phố Đài Trung, tôi gặp cô Phạm Thị Hồng Phượng công tác ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đang theo học chương trình tiến sĩ Luật năm cuối ở trường đại học Đông Hải, Đài Loan. Phượng tâm sự: Đài Loan có 150 trường đại học đào tạo đa chuyên ngành cho sinh viên các nước trên thế giới. Sinh viên nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp… đều đến đây học tập. Hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Đài Loan. Nhìn chung phương pháp đào tạo của Đài Loan rất tốt, đặc biệt sinh viên Việt Nam theo học ở đây được nhà trường đánh giá là học giỏi, tiếp thu nhanh và tích lũy kiến thức tốt. Đa phần sinh viên của ta ra trường đều kiếm được việc làm ổn định.

Chị Nguyễn Thị Hợi, quê ở Hoàng Mai, Hà Nội, tâm sự: Em sang Đài Loan được sáu năm, công việc chủ yếu là chăm sóc một bà già 66 tuổi bị liệt, lương một tháng là 16.000 Đài tệ, không phải trả tiền ăn ở. Cứ một năm rưỡi chủ nhà lại mua vé máy bay và đưa em về Việt Nam thăm gia đình một lần. Trong sinh hoạt, chủ nhà rất tôn trọng người Việt Nam đến giúp việc. Họ bảo rằng người Việt Nam chăm chỉ, hiền lành. Sáu năm làm việc em tiết kiệm được 400 triệu đồng gửi ngân hàng, khi về nước sẽ mua nhà để ở.

Chị Ngô Thị Thúy ở Phúc Thành, Kinh Môn, Hải Dương lại kể rằng, năm 2005 gia đình chị gặp muôn vàn khó khăn, hai đứa con và người chồng ốm đau phải thường xuyên đi cấp cứu ở bệnh viện, cửa nhà khánh kiệt, buộc chị phải xin đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. Sau một thời gian học tiếng, chị được công ty Ngọc Lâm, Hà Nội, đưa sang Đài Loan làm việc. Công việc của chị là chăm sóc một bà già 70 tuổi, lương một tháng là 17.000 Đài tệ, bằng khoảng 8,5 triệu đồng tiền Việt Nam. Sau ba năm chị góp được gần 300 triệu đồng gửi về cho chồng xây nhà và lo cho các con ăn học. Hiện tại cuộc sống gia đình chị khá ổn định. Chị Thúy phân bua: Người Đài Loan thật thà, tốt tính như người Việt Nam ta. Một số người Việt sang đây bị chủ đuổi vì lười lao động, hay ăn cắp vặt, tiếng không chịu học, hay so sánh việc làm và đòi tăng lương… Chị cũng khuyến cáo những ai muốn đến Đài Loan làm việc lâu dài cần phải làm được hai điều, đó là: Phải học tiếng tốt và hết sức thật thà. Chị Thúy nói, chẳng hạn như chủ nhà của tôi coi tôi như là người nhà. Họ giao toàn bộ gia tài, nhà cửa cho tôi trông nom, đi du lịch hoặc những ngày lễ, Tết họ đều cho tôi đi cùng.

Câu chuyện giữa tôi và chị Thúy đang sôi nổi thì ông Diu Danh Kiệt và vợ là bà Lý Quốc Anh, chủ nhà của chị Thúy xuất hiện. Biết tôi đến họ ra chào hỏi ân cần rồi mời chúng tôi về nhà mở tiệc chiêu đãi. Nâng chén rượu vui, ông Kiệt nhận tôi làm anh em kết nghĩa của gia đình. Trong bữa cơm chia tay tại nhà ông Kiệt có đông người Việt Nam sang lao động, sinh sống tại Đài Loan cũng được mời tới vui cùng. Khi chếnh choáng men say, ông Kiệt nói, tháng bảy này gia đình ông nhất định sẽ sang thăm Việt Nam một lần cho biết. Gia đình ông luôn coi người Việt Nam như anh em trong nhà. Cuộc gặp gỡ này làm cho tôi tiếc nuối mãi khôn nguôi.

(Đài Trung, tháng 3 năm 2009)

Bài và ảnh: THẮNG CẢNH

(Theo báo Quân đội nhân dân)