Vụ án "Nhận hối lộ tập thể" ở hải quan Tân Thanh:

LUẬT SƯ "ĐÒI" TRIỆU TẬP NGUYÊN TRẠM TRƯỞNG NÔNG VĂN MĂNG

TT - Phiên tòa xét xử vụ nhận hối lộ tập thể của 26 cán bộ, nhân viên Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bắt đầu sáng qua 6-2 chỉ với 35/36 bị cáo.

Ngay trong phần thủ tục, đã nổ ra một cuộc “đấu khẩu” giữa một bên là thẩm phán Vi Ngọc Linh - chủ tọa phiên tòa và bên kia là các luật sư xung quanh việc có cần triệu tập hay không đối với Nông Văn Măng (nguyên trạm trưởng) và Nông Hoàng Hùng (cán bộ Hải quan Tân Thanh)-hai người bị Công an Trung Quốc bắt giữ, chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) mới đây.

Nông Văn Măng lẽ ra là… “bị cáo chính”

Bào chữa cho Bế Ngọc Trình, nguyên cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cùng em trai Bế Ngọc Kiên và con trai Bế Nguyễn Phương (đều là cán bộ Hải quan Tân Thanh), luật sư Ngô Ngọc Thủy (đoàn Luật sư Hải Phòng) trình bày với Hội đồng xét xử (HĐXX): qua báo chí, luật sư biết tin Nông Văn Măng và Nông Hoàng Hùng đã bị bắt và đang được tạm giam tại một trại của Bộ Công an. Măng và Hùng, theo các bị cáo của vụ án khai, là hai người “rất quan trọng” đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc nhận hối lộ tập thể ở cửa khẩu Tân Thanh.

Vậy nhưng trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Thủy băn khoăn khi không thấy HĐXX “nhắc gì đến hai đối tượng này” trong khi “lẽ ra đây phải là những bị cáo chính của vụ án”.

Thẩm phán Vi Ngọc Linh giải thích: khi tòa án tiếp nhận và thụ lý hồ sơ vụ, đã có quyết định của cơ quan điều tra tách phần của Măng, Hùng để xử lý sau. Hơn nữa, cơ quan điều tra đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của 36 bị cáo bị đưa ra xử lần này, cho nên HĐXX thấy rằng vai trò của Măng, Hùng “không ảnh hưởng gì đến nội dung xét xử của phiên tòa”, ông Linh nhấn mạnh.  

Cùng ý kiến với luật sư Thủy, luật sư Mai Xuân Hải (đoàn Luật sư Hà Nội) tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét cho dẫn giải Nông Văn Măng và Nông Hoàng Hùng đến tòa với tư cách nhân chứng.

Không chỉ là người “đẻ ra” việc nhận hối lộ tập thể ở Tân Thanh, Măng còn là người trực tiếp cầm một suất rưỡi tiền thu được từ “làm luật” hàng ngày đến “dâng” cho cục trưởng Bế Ngọc Trình. Việc vắng mặt nhân vật này tại phiên xử “rất không có lợi cho các bị cáo”, luật sư Nguyễn Ánh (đoàn luật sư Lạng Sơn) bổ sung ý kiến, đồng thời “nhắc nhở” tòa về khả năng phải mở thêm một phiên xử nữa đối với nguyên cục trưởng Bế Ngọc Trình về tội nhận hối lộ (ông Trình lần này mới bị truy cứu tội thiếu trách nhiệm).

“Chúng tôi cho tới giờ cũng không biết Nông Văn Măng bị cơ quan nào bắt giữ và đang giam ở đâu nên không thể triệu tập”, thẩm phán Linh trả lời các luật sư. Ông cho biết đến trước phiên xử, ông chưa nhận được một thông báo chính thức nào từ các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương, cũng như từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hay Viện Kiểm sát tối cao…

Nhân chứng vắng mặt vì bận…giam

Trước phiên xử, HĐXX đã gửi giấy triệu tập bảy nhân chứng. Thế nhưng trong phần thủ tục chỉ có duy nhất một người có mặt, đó là Vi Tiến Dũng (lái xe ở khu Đồng Đăng, Lạng Sơn).

Trừ nhân chứng Ngô Thị Thu Phương đang nằm viện (chồng Phương là Trương Mạnh Hùng, nguyên cán bộ Đội Kiểm soát chống buôn lậu Hải quan Tân Thanh, bị cáo trong vụ án này), các nhân chứng còn lại hầu hết đang bị tạm giam, chờ xét xử hoặc đang chấp hành án vì liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế ở Hà Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội…

Ngoài ra, ba đại diện của Cục Hải quan Lạng Sơn (trong đó có cục phó Nông Văn Vinh) với tư cách đơn vị có quyền, nghĩa vụ liên quan cũng đã có mặt.     

Theo ông chủ tọa Vi Ngọc Linh, phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày. Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 14 luật sư, trong đó có hai luật sư Cố Trương Tấn và Nguyễn Thắng Cảnh (Đoàn Luật sư Lạng Sơn) được tòa án chỉ định bào chữa cho 6 bị cáo có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Số này gồm Vi Đồng Thanh (tội đưa hối lộ), Bế Đức Huân, Đoàn Cảnh Thắng, Vi Văn Niệm, Hoàng Văn Tài và Bế Ngọc Kiên (tội nhận hối lộ).

Trong vụ án này, ngoài trường hợp ông Bế Ngọc Trình (có em trai, con trai cùng là bị cáo), còn có Bế Dương Thuần (nguyên cán bộ Hải quan Tân Thanh) là “quý tử” của ông Bế Ngọc Vấn, phó cục trưởng đương chức Cục Hải quan Lạng Sơn; Nguyễn Như Hiển (nguyên cán bộ hải quan) là “quý tử” của ông Nguyễn Như Luyện, bí thư đảng ủy các cơ quan tỉnh Lạng Sơn; Bế Đức Huân (nguyên phó trạm trưởng Hải quan Tân Thanh) là “quý tử” của ông Bế Chu Lang, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn…   

Ngoài cuộc “đấu khẩu” của chủ tọa và các luật sư, phiên khai mạc cũng đã có một vài tình tiết đáng lưu ý. Nguyên cục trưởng Bế Ngọc Trình suốt buổi toàn cúi gằm mặt tránh ống kính máy ảnh của báo chí, đến khi tòa kiểm tra căn cước lại “bối rối” nhớ nhầm giữa hai nơi trú quán và sinh quán.

Bị cáo Trần Quốc Phòng khi kiểm tra căn cước bất ngờ phát hiện bị cơ quan điều tra làm ẩu, “cắt hộ khẩu” mất đứa con út 9 tuổi (bị cáo có 4 con, phần lý lịch ghi có 3). Vi Đồng Thanh, đối tượng “cò” ở Tân Thanh, khai báo nhưng không nhớ đang nói theo dương lịch hay âm lịch vì y làm ăn buôn bán chỉ quen “đi ngày 7, về ngày 3”.

Chỉ duy nhất bị cáo Ngô Thị Kim Chung, nguyên là quyền giám đốc Chi nhánh Công ty XNK du lịch và đầu tư xây dựng Hà Nam tại Hà Nội, tỏ ra “mềm yếu” và bật khóc nức nở khi chủ tọa hỏi căn cước, không thể ngờ được rằng Chung từng lạnh lùng chỉ đạo đàn em chi hối lộ Hải quan Tân Thanh nhằm mở tờ khai khống để hợp thức, chiếm đoạt 17 tỉ đồng hoàn thuế…  

Ngay sau phần thủ tục, hai đại diện Viện Kiểm sát Lạng Sơn giữ quyền công tố là ông Bùi Đình Ái và bà Nguyễn Thị Hoa đã luân phiên công bố bản cáo trạng dày 53 trang của Viện Kiểm sát tối cao. Hôm nay, HĐXX nghỉ làm việc và sẽ bước vào phần thẩm vấn nhóm bị cáo đưa hối lộ trong sáng thứ hai 9-2

(Theo báo Tuổi Trẻ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

KẾT THÚC VỤ ÁN NHẬN HỐI LỘ TẬP THỂ Ở HẢI QUAN TÂN THANH

NGUYÊN CỤC TRƯỞNG HẢI QUAN LẠNG SƠN LĨNH ÁN 5 NĂM TÙ

Các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Hải quan cửa khẩu Tân Thanh trước vành móng ngựa - Ảnh: N.V.Hải
TT - Kết thúc 17 ngày xét xử vụ án “nhận hối lộ tập thể” tại Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, hôm qua 1-3, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt Bế Ngọc Trình, nguyên cục trưởng Cục Hải quan tỉnh này, mức án 5 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.  

Ông Trình có thể còn phải đối mặt với một bản án nữa về tội danh “nhận hối lộ” khi cơ quan pháp luật xem xét vụ án Nông Văn Măng (nguyên trạm trưởng Hải quan Tân Thanh, bỏ trốn và mới bị bắt lại nên được tách xử lý trong vụ án khác).

Cũng theo bản án của tòa, hai “lãnh đạo” của trạm Tân Thanh gồm Bế Đức Huân bị kết án 18 năm tù, Đoàn Cảnh Thắng bị kết án 13 năm tù về tội nhận hối lộ. Sáu cán bộ kiểm hóa gồm: Vi Văn Niệm, Đinh Văn Tân, Bế Ngọc Kiên (mỗi người 12 năm tù); Hoàng Văn Tài (10 năm); Chu Đức Hào, Nguyễn Như Hiển (mỗi người 9 năm). Tám bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Hải quan Tân Thanh được tòa cho hưởng án 2-3 năm tù treo vì thái độ khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, trong đó có Bế Nguyễn Phương (con trai nguyên cục trưởng Bế Ngọc Trình), Bế Dương Thuần (con trai phó cục trưởng đương chức Bế Ngọc Vấn). 10 bị cáo còn lại trong nhóm nhân viên hải quan “nhận hối lộ” bị phạt các mức án từ 3-10 năm tù giam.

Hội đồng xét xử cũng đã công bố mức án đối với cả chín bị cáo trong nhóm “đưa hối lộ”, theo đó Vi Đồng Thanh - đối tượng cò “làm luật” ở Lạng Sơn - nhận 17 năm tù; hai “đệ tử” của Thanh là Hoàng Minh Huấn và Nguyễn Thanh Quang nhận mỗi người 12 năm tù. Số đối tượng “đưa hối lộ” còn lại bị kết án từ 2-13 năm 6 tháng tù giam, riêng Vũ Viết Đông (nguyên cán bộ Công ty XNK thủ công mỹ nghệ Nam Định) và Võ Hải Phong (nguyên lái xe Công ty Transimex Lạng Sơn) bị tổng hợp với bản án trước nên cộng chung là 12 và 11 năm tù

(Theo báo Tuổi trẻ)

 

 

CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG:

Khi cần trợ giúp Pháp lý xin hãy liên hệ với chi nhánh Công ty Luật Hợp danh Cảnh Khôi

Giả danh Đại tá Quân đội để lừa đảo

Cảm nhận về Châu Âu

“Muốn quản lý được Blog thì phải có chế tài”

Vụ kiện Quyền tác giả Văn bản Truyện Kiều

Vụ tiêu cực tại công ty Sinhanco Vũng Tàu

Vụ án "Nhận hối lộ tập thể" ở Hải quan Tân Thanh