Vụ án Tượng đài Điện Biên Phủ


Trả hồ sơ vụ án Tượng đài Điện Biên Phủ để điều tra bổ sung

(LĐ) - Sáng 31.3, phiên toà sơ thẩm vụ án Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đột ngột dừng lại nhưng không gây ngỡ ngàng cho tất cả các thành phần tham gia tố tụng cũng như báo giới và người dân.

Nói cách khác, đó như là hệ quả tất yếu của sự làm ăn tắc trách, mà trước hết, của cơ quan điều tra.

Sáng 30.3, trả lời câu hỏi của luật sư trước toà, bà Trần Phương Thảo - giám định viên cao cấp thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an - cho biết (nguyên văn): “Đồng đúc tượng đài Điện Biên Phủ là đồng tốt”. Câu trả lời của giám định viên, khiến cả khán phòng… vỗ tay. Tồn tại đồng thời trong hồ sơ vụ án, có ít nhất 2 bản giám định hàm lượng đồng và khối lượng đồng của pho tượng.

Điều đáng ngạc nhiên là 2 bản giám định của cùng một cơ quan là Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, đối tượng được giám định đều là tượng đài ĐBP, vậy mà kết quả của 2 lần chênh nhau tới gần 40 tấn đồng. Theo bà Thảo, bản kết luận giám định trong cáo trạng mới là kết quả chính xác cuối cùng. Bản trước đó không chính xác, do phải làm gấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Bị cáo Nguyễn Trọng Hạnh nói: “Tới giờ phút này danh chính ngôn thuận tượng đài ĐBP chưa nghiệm thu, chưa bàn giao, chưa thanh - quyết toán, tôi đang chỉ đạo việc hoàn thiện khâu kỹ thuật cuối cùng thì bị bắt giam. Nói cách khác, tượng đài ĐBP đang là của tôi, nếu bảo chất lượng không tốt, tôi làm đền cái khác chứ sao lại bảo tôi xà xẻo tiền vốn...”.

Về chất lượng đồng của tượng đài, cáo trạng số 14/VKSTC-V1B - ngày 13.10.2009 của Viện KSND Tối cao, xác định không phải đồng nguyên chất. Theo ông Hạnh, đó là điều dĩ nhiên, vì trong hợp đồng (số 190/2003/MTTW) là đồng hợp chất.

Ngay bà giám định viên Trần Phương Thảo cũng khẳng định trước toà là đồng nguyên chất không thể đúc được tượng, mà phải có một tỉ lệ nhất định các chất dung môi trong đó (chẳng hạn như chì, kẽm...).

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh - người bào chữa cho Nguyễn Trọng Hạnh - cho rằng, cáo trạng truy tố ông Hạnh tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không đúng.

Theo LS Cảnh, chức PGĐ Cty TNHH Đoàn Kết của Nguyễn Trọng Hạnh, là do bố đẻ ông ta phong cho chứ có cơ quan chức năng nào ra quyết định đề bạt. Trước hay sau ông Hạnh và Cty của ông ta chỉ là đơn vị làm thuê và trong thời buổi này, có những quy định bất thành văn buộc người ta phải tuân theo, đó là sự “vận hành” theo guồng quay cơ chế.

Sáng qua (31.3), HĐXX xuất hiện muộn hơn 40 phút so với thông báo lịch làm việc từ chiều hôm trước. Ngay sau đó, chủ tọa Phạm Văn Nam - Phó Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Điện Biên - công bố quyết định hoãn phiên xử, trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ trong cáo trạng và không thể giải quyết tại phiên toà này. Theo thẩm phán Phạm Văn Nam, có tất cả 8 tình tiết mới xuất hiện qua tranh luận, đòi hỏi phải điều tra bổ sung, như sau:

1. Làm rõ hành vi nhận hối lộ 165 triệu đồng của 2 bị cáo Lê Huyên và Nguyễn Đức Sứng, trong việc lập hồ sơ tư vấn giám sát công trình tượng đài.

2. Hiện vụ án tồn tại 2 bản kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, bên cạnh 1 bản kết luận giám định của Trung tâm Đo lường và Kiểm định chất lượng hàng hóa khu vực 1. Vậy dựa vào kết luận giám định nào để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, trong khi tại phiên tòa, giám định viên của Viện Khoa học hình sự (bà Trần Phương Thảo) cho rằng, đồng đúc của công trình tượng đài rất tốt, rằng đồng nguyên chất không thể đúc được tượng. Vì vậy, cần giám định lại chất lượng đồng của tượng đài.

3. Làm rõ sự thỏa thuận giữa bị cáo Lương Phượng Các và bị cáo Võ Thị Hồng, liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ 500 triệu đồng.

4. Làm rõ động cơ, mục đích của bị cáo Võ Thị Hồng đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn như đã bị truy tố.

5. Làm rõ hành vi cố ý làm trái của 6 bị cáo: Các, Viễn, Chính, Hưng, Hồng, Hạnh có ảnh hưởng thế nào đến tiến độ dự án; căn cứ xác định tỉ lệ hao hụt 20% hay 25% trong công nghệ đúc đồng.

6. Xác định rõ hành vi của bị cáo Trần Quốc Hưng với tội danh cố ý làm trái.

7. Đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C37) - Bộ Công an cung cấp các tài liệu, chứng cứ của vụ án, hiện đang được giữ tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội.

8. Làm rõ việc đổ bêtông tươi (ướt) vào trong ruột tượng, liệu có phải là nguyên nhân chủ yếu khiến phần đồng của tượng bị hoen gỉ?
Theo báo Lao Động
______________________________________

Tại phiên tòa xét xử vụ tham ô, “rút ruột” tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 30/3, khi được luật sư Nguyễn Thắng Cảnh hỏi về chất lượng đồng đúc tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thượng tá Trần Thị Thảo, Giám định viên tư pháp (Viện khoa học hình sự Bộ Công an) cho biết chất lượng đồng để đúc tượng đài là tốt.

Ngoài ra, bà Thảo cho biết, việc đúc tượng đồng không thể dùng đồng nguyên chất mà phải dùng đồng hợp kim.

Khi trả lời câu hỏi về chất lượng giám định liên quan đến việc xác định chất lượng đồng, khối lượng thực tế... của Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo hai cách là lấy nguyên mẫu (cắt nguyên miếng) và cách cắt gọt phần ngoài thì bà Thảo thừa nhận việc lấy nguyên mẫu là chất lượng hơn.

Và để diễn giải vì sao Viện khoa học hình sự Bộ Công an chỉ gọt bề ngoài thân tượng để giám định mà không cắt nguyên miếng như cách mà Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thực hiện, bà Thảo cho biết thời điểm đó tượng đã ghép thành công nên không thể cắt nguyên miếng vì làm vậy sẽ ảnh hưởng đến mỹ thuật của tượng.

Trong phần trả lời những câu hỏi của luật sư Nguyễn Phương Nhi, thượng tá Trần Thị Thảo còn thừa nhận một điều bất ngờ khác là giám định cũng cho phép... có sai số.

Buổi chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử tiếp tục phần xét hỏi nhưng cũng không có gì mới ngoài việc các bị cáo tiếp tục thay nhau chối bỏ trách nhiệm và các cáo buộc mà cáo trạng nêu. Cũng buổi chiều, luật sư Phạm Hồng Hải đã có mặt để bào chữa cho bị cáo Võ Thị Hồng.

Ông Hải cũng là người gay gắt yêu cầu Hội đồng xét xử phải triệu tập hai giám định viên của Bộ Tài chính và Cục Thuế thành phố Hà Nội vì hai người này đã vắng mặt làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Sáng nay, yêu cầu làm rõ công tác giám định của Bộ Tài chính về sai phạm liên quan đến thân chủ Võ Thị Hồng của luật sư Hoàng Huy Được cũng không được đáp ứng bởi giám định viên của bộ này vắng mặt.

Cũng trong phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử và của công tố viên Viện kiểm sát tiếp tục xét hỏi các bị cáo. Trong phần xét hỏi này, nhiều câu trả lời của các bị cáo đã thực sự gây bất ngờ cho những người dự phiên tòa.

Trong phần xét hỏi bị cáo Võ Thị Hồng, nguyên Giám đốc Công ty Mỹ Thuật Trung ương, bị cáo Hồng khẳng định, thời điểm xây dựng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ mình sắp về hưu nên vì trách nhiệm và danh dự chỉ muốn làm một việc gì tốt để lại trước lúc nghỉ hưu mà thôi.

Về việc cáo trạng nêu bị cáo Hồng đã chuyển 500 triệu đồng để cho Lương Phượng Các “vận động” các quan chức ban ngành ở tỉnh Điện Biên, Hồng trả lời vì sức khỏe hiện rất yếu nên không còn nhớ gì nhiều, chỉ nhớ có chuyển hai đến ba lần gì đó nhưng số tiền thì không rõ là bao nhiều và ít thôi. Điều này buộc công tố viên Viện Kiểm sát tỉnh Điện Biên phải nhắc lại rằng rằng trước đó bà Hồng đã khai với cơ quan điều tra nhiều lần, khi thì 900 triệu đồng, khi thì 500 triệu đồng và cuối cùng chỉ dừng lại con số là 70 triệu đồng.

Vậy con số nào là đúng? Kết thúc phần này bà Hồng vẫn khẳng định không có chuyện chuyển 500 triệu đồng để “vận động hành lang,” còn thực tế số tiền đã chuyển bao nhiều thì không nhớ. Ngoài ra, cũng trả lời câu hỏi này, bị cáo Hồng còn khẳng định không có chuyện Lương Phương Các, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Điện Biên, yêu cầu chuyển tiền mà việc này là do mình tự nguyện vì thấy anh em lao động vất vả nên muốn bồi dưỡng mà thôi.

Với bị cáo Nguyễn Trọng Hạnh, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đoàn Kết, khi trả lời câu hỏi của luật sư Cảnh về việc đúc đồng có bị hao hụt không, Hạnh khẳng định: "Nấu nước còn hao hụt huống hồ là đồng" nên việc khối lượng mua và khối lượng thực tế khi đã đúc xong chắc chắn có giảm.

Cũng để viện dẫn cho câu trả lời này, Hạnh cho biết chính trong quy định cho phép hao hụt 25% nhưng không được xem xét để đưa vào quá trình điều tra.

Trong quá trình xét hỏi, Nguyễn Trọng Hạnh khẳng định đến thời điểm này “Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn chưa hoàn thiện, bàn giao, chưa có quyết toán nên có thể nói đến bây giờ vẫn là của mình.” Cũng vì vậy, chưa thể khẳng định được thiệt hại như cáo trạng nêu.

Hạnh cho biết, để xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đoàn Kết mới chỉ ứng được 9,8 tỷ đồng trong khi tổng số tiền theo hợp đồng là 18 tỷ đồng.

Ngày mai 31/3, phiên phiên tòa xét xử vụ tham ô, “rút ruột” Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục với phần xét hỏi./.
Đến thời điểm này, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua ba lần giám định chất lượng. Trong đó, lần đầu do Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thực hiện, hai lần sau của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.

Đáng chú ý, dù cùng một cơ quan giám định nhưng Viện khoa học hình sự Bộ Công an lại cho hai kết quả khác nhau.

Trong đó, theo bản kết luận ngày 13/3/2007 thì khối lượng Tượng đài: 160 tấn, hàm lượng đồng trung bình 86,93%; còn theo bản kết luận 29/8/2007 thì khối lượng thực tế chỉ là 120,94 tấn với hàm lượng đồng 86,83%. Theo cáo trạng tại phiên toà thì bản kết luận ngày 29/8/2007 được đưa vào làm căn cứ để xét xử nên khối lượng đồng giám định so với với dự toán và hợp đồng đã ký giảm hơn 97 tấn, trị giá 2,688 tỷ đồng.
 

_____________________________________

Dừng xét xử vụ “rút ruột” tượng đài Điện Biên Phủ
Bị cáo Lương Phượng Các trước vành móng ngựa. (Ảnh: Trường Thành/TTXVN).
Sáng 31/3, Hội đồng xét xử vụ án tham ô, “rút ruột” Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã ra quyết định dừng phiên tòa, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo Hội đồng xét xử, qua hai ngày xét hỏi công khai, tòa thấy cần phải bổ sung thêm các chứng cứ quan trọng để làm rõ hành vi phạm tội của tám bị cáo trong vụ án này.

Cụ thể, cần làm rõ việc các bị cáo Lê Huyên, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Nguyễn Đức Sứng, nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo dáng, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nhận số tiền 65 triệu đồng.

Hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại đồng đúc tượng; giám định tài chính đầu tư vào dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiện nay, hồ sơ vụ án đang tồn tại hai bản kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an và một bản giám định của Trung tâm đo lường và Kiểm định chất lượng khu vực I.

Hội đồng xét xử cũng yêu cầu làm rõ sự thỏa thuận giữa các bị cáo Lương Phượng Các và Võ Thị Hồng về số tiền liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ, đồng thời điều tra bổ sung để làm rõ động cơ mục đích của Võ Thị Hồng đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tòa cũng yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ hơn việc lấy dự toán được phê duyệt để làm căn cứ quy kết đối với hành vi cố ý làm trái của các bị cáo Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn, Nguyễn Văn Chính, Trần Quốc Hưng, Võ Thị Hồng, Nguyễn Trọng Hạnh về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong dự toán, tỷ lệ hao hụt khi đúc tượng được xác định là 25%, và điều này cần bổ sung làm rõ trong giám định tài chính.

Chứng cứ xác định rõ hành vi phạm tội của bị cáo Trần Quốc Hưng về tội cố ý làm trái các quy định Nhà nước cũng cần được bổ sung cũng như cần cung cấp thêm tài liệu, vật chứng của vụ án hiện đang lưu giữ tại Kho bạc thành phố Hà Nội.

Tòa cũng yêu cầu làm rõ việc đổ bêtông tươi vào lõi tượng có làm ảnh hưởng đến chất lượng tượng đài hay không.

Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Hạnh đánh giá: "Việc dừng xét xử phiên tòa là hết sức công minh và sáng suốt bởi vì nếu không cẩn thận và đánh giá được thực chất vụ án này có thể gây ra oan sai. Ngay trong kết luận của cáo trạng cũng cho thấy sự lủng củng."

Về các yêu cầu, lý do để dừng phiên tòa, ông Cảnh cho rằng còn thiếu việc yêu cầu điều tra, bổ sung trách nhiệm của những đứng đầu mà cụ thể là ban chỉ đạo các dự án tỉnh Điện Biên./.
Theo vietnamplus.vn