Về vụ tranh chấp tại số nhà 86 Tôn Đức Thắng ( Đống Đa, Hà Nội)

Đâu là lẽ phải và đạo lý?


     Từ 3 năm nay, ông Tô Sinh Thổ (tức Nguyễn Gia Hán) cùng vợ là Phùng Thị Nhàn (tức Xiêm), gần 90 tuổi, đều là cán bộ đảng viên, hoạt động trước cách mạng, lặn lội gõ cửa các cơ quan pháp luật của Hà Nội và Trung ương để cầu cứu, giúp đòi lại ngôi nhà là tài sản hợp pháp của ông bà, bị người con út chiếm đoạt. Hàng chục lá đơn gửi đi, nhiều phiên tòa ở địa phương đã mở, rồi TAND tối cao xử giám đốc thẩm... nhưng cuối cùng vợ chồng ông Tô Sinh Thổ vẫn chưa đòi được nhà.
      Năm 1993, ông Tô Sinh Thổ (tức Nguyễn Gia Hán) và vợ là Phùng Thị Nhàn (tức Xiêm) mua hoa hồng căn nhà số 86 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội của ông Nguyễn Văn Đức và bà Trần Thị Đào. Khi dọn về nhà mới, ông Thổ, bà Nhàn có cho Tô Hoàng Thắng (con trai út) về ở cùng. Năm 1994, vợ chồng ông Thổ làm đơn gửi xí nghiệp kinh doanh nhà Đống Đa xin được sửa chữa cải tạo thành nhà hai tầng, một tum như hiện nay. Năm 2001, vợ chồng ông Thổ đã kê khai và được mua nhà theo Nghị định 61/CP của Chính phủ. Do là gia đình có công với nước nên được miễn trả tiền nhà. Ngày 27-3-2001, UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số: 01019055016 và công nhận ông Thổ và bà Nhàn là chủ sở hữu và sử dụng căn nhà trên.
      Đầu năm 2005, Thắng xin phép bố mẹ được chuyển hộ khẩu về nhà 86 Tôn Đức Thắng để tiện kinh doanh. Thấy nguyện vọng của cậu con út chính đáng nên vợ chồng ông Thổ đồng ý.
      Sau khi đến công an làm thủ tục nhập hộ khẩu ngày 30-9-2005, Thắng về nói: Bố, mẹ ra quận ký giấy cho con nhà, thì họ mới đồng ý nhập được hộ khẩu (Thắng còn giải thích việc cho nhà chỉ là hình thức để được nhập hộ khẩu mà thôi). Thương con, vợ chồng ông Thổ đến UBND quận và được một chị nhân viên (không còn nhớ tên) đọc cho viết vào một bản cam kết sau đó ký vào không phải là bản hợp đồng tặng cho nhà. Lúc đó ông, bà chỉ nghĩ đơn giản là cho con trai mình nhập hộ khẩu để kinh doanh tiện đóng thuế cho Nhà nước. Nào ngờ, sau này Thắng có biểu hiện ngược đãi với bố mẹ. Vợ chồng ông Thổ tìm hiểu thì được biết, Thắng không hề nhập hộ khẩu về số 86 Tôn Đức Thắng mà lại sang tên toàn bộ căn nhà này để Sở Nhà đất chuyển sổ đỏ căn nhà của bố mẹ sở hữu thành sở hữu của mình.
     Quá bức xúc với hành vi trái với luân thường, đạo lý của cậu con út, ngày 15-3-2007, vợ chồng ông Thổ đã làm đơn khởi kiện tới TAND quận Đống Đa về hành vi lừa đảo của Tô Hoàng Thắng hòng chiếm đoạt tài sản của bố, mẹ đẻ. Ngày 10-9-2007, TAND quận Đống Đa đã xét xử sơ thẩm vụ án và đã bác yêu cầu đòi nhà của vợ chồng ông Thổ. Không cam chịu, vợ chồng ông Thổ quyết định kháng cáo lên toà phúc thẩm TAND thành phố Hà Nội. Ngày 28-1-2008, TAND thành phố Hà Nội đưa vụ án ra xét xử tại bản án dân sự phúc thẩm số 17/2008/DSPT và quyết định:
     1. Tuyên bố hợp đồng tặng cho nhà ở số 169/TCN/2005 ngày 5-10-2005 lập tại UBND quận Đống Đa giữa ông Tô Sinh Thổ (tức Nguyễn Gia Hán ) và bà Phùng Thị Nhàn (tức Xiêm) với anh Tô Hoàng Thắng là hợp đồng vô hiệu… Xác nhận toàn bộ ngôi nhà số 86 phố Tôn Đức Thắng nằm trên diện tích đất 30,80m2 thuộc quyền sở hữu sử dụng của ông Tô Sinh Thổ và vợ là bà Phùng Thị Nhàn. Ông Tô Sinh Thổ và bà Phùng Thị Nhàn có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục về sở hữu nhà và sử dụng đất theo quyết định của bản án.
     2. Bác yêu cầu phản tố của anh Tô Hoàng Thắng cho rằng, nhà đất tại 86 phố Tôn Đức Thắng thuộc sở hữu sử dụng của anh, buộc ông Thổ bà Nhàn phải chấm dứt hành vi chiếm hữu bất hợp pháp và đi ở nơi khác trả lại nhà đất cho anh Thắng.
     Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, TAND tối cao lại kháng nghị bản án và viện dẫn: Hợp đồng tặng cho nhà đất giữa ông Thổ (Hán) và bà Nhàn với anh Thắng là thể hiện ý chí tặng cho cả phần nhà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và phần nhà xây dựng thêm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu... Ngay sau khi có phán xét của TAND tối cao, dư luận địa phương cho rằng: Lý lẽ của cấp tối cao như vậy là không thuyết phục. Tại sao Hội đồng Giám đốc thẩm TAND tối cao không xem xét tới thẩm quyền, nội dung và tính mâu thuẫn của bản hợp đồng tặng cho nhà đất 169/2005/TCN lập ngày 5-10-2005 tại UBND quận Đống Đa.
     Đã thế, căn cứ vào phán quyết trên, ngày 25-1-2010, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Theo đề nghị của các luật sư, Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu anh Tô Hoàng Thắng trình bày rõ việc diễn biến cho căn nhà này ngoài bố, mẹ và anh Thắng, có còn ai biết nữa không, nhưng Thắng không trả lời được mà cứ nói loanh quanh. Đáng chú ý tại phiên toà HĐXX đã xuất trình một bản hợp đồng ngày 1-9-2006 có nội dung thế chấp Ngân hàng để trả nợ vay tiền của công ty TNHH Tô Hoàng Thắng do bà Phùng Thị Nhàn làm Phó giám đốc (là mẹ đẻ ra Thắng) ký, bản hợp đồng này ông, bà không hề hay biết, hỏi Thắng nhưng Thắng vẫn làm ngơ. Ông Thổ, bà Nhàn khẳng định, chữ ký ở bản hợp đồng cho tặng nhà, là chữ ký của ông, bà, nhưng không biết, chỉ được nhân viên UBND hướng dẫn là ký để cho Thắng nhập hộ khẩu. Vì tình mẫu tử thì phải hết lòng với con cái, nhưng không ngờ Thắng lại lừa dối cha mẹ để chiếm đoạt toàn bộ ngôi nhà này. Trước tòa, ông Thổ và bà Nhàn yêu cầu HĐXX cho làm rõ một nội dung khuất tất như: Thẩm quyền ký bản hợp đồng tặng cho số 169/2005/TCN lập ngày 5-10-2005 tại UBND quận Đống Đa là không đúng quy định của pháp luật? Tại sao UBND quận Đống Đa lại không lưu giữ bản hợp đồng gốc, mà chỉ có một bản gốc duy nhất lưu tại Sở Tài nguyên môi trường - Hà Nội. Trong khi đó, vợ chồng ông Thổ và anh Tô Hoàng Thắng cũng không có bản gốc? Vì sao Trưởng phòng Tư pháp quận Đống Đa lúc thì nói không lưu giữ bản hợp đồng, lúc lại cho rằng có lưu giữ đúng pháp luật?… Nhưng HĐXX không xem xét, trái lại tuyên án, bác yêu cầu đòi nhà của vợ chồng ông Thổ.
     Phiên tòa kết thúc, ông Tô Sinh Thổ (85 tuổi) và bà Phùng Thị Nhàn (83 tuổi) và là bố, mẹ đẻ của liệt sĩ Tô Bình Tiếp, vẫn tiếp tục khiếu nại Quyết định bản án dân sự phúc thẩm số 15/2010/DS-PT, của TAND thành phố Hà Nội lên TAND tối cao đề nghị sớm xét xử lại theo thủ tục Giám đốc thẩm. Dư luận thì bất bình và lo lắng cho sự xuống cấp của đạo đức xã hội: Con trai kiện, đề nghị tòa án can thiệp đuổi bố mẹ ra khỏi nhà vốn thuộc sở hữu của ông bà. Đằng sau phiên tòa có còn đạo lý và tình cha con?
Minh Tuấn
Nguồn: báo Quân đội nhân dân