Pháp luật - Đời sống

Phải có chế tài và hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ người phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng

Luật phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ VIII thông qua ngày 28/11/2005,có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2006.

Luật đã quy định rõ: "Những người có chức vụ, quyền hành thuộc khu vực Nhà nước có các hanh vi tham nhũng như: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc vì lợi ích của cơ quan, tổ chức đơn vị hoặc địa phương; sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi, nhũng nhiễu; lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi để bao che cho người có hành vi tham nhũng, cản trở can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi tham nhũng đều phải được xử lý nghiêm khắc.

Về nguyên tắc xử lý tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật; tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định pháp luật. Người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản đã tham nhũng thì tuỳ theo trường hợp mà được xem xét, giảm nhẹ hoặc miễn xử lý kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài các cơ quan có trách nhiệm chuyên trách, Công dân cũng có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, có quyền và nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhà nước có chính sách khuyến khích, khen thưởng người có thành tích trong việc phát hiện, tố cáo, ngăn chặn tham nhũng. Đặc biệt, về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đều phải có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát hiện, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng... Mặt khác, các cấp chính quyền, đoàn thể và tổ chức chính trị đều phải có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố cáo với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền những hành vi tham nhũng; cung cấp các thông tin và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng. Người có hành vi tham nhũng bị tố cáo, khi nhận được đơn thư và ý kiến trực tiếp của nhân dân các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cần khẩn trương xem xét, trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày, nhận được yêu cầu. Trong trường hợp phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Để hạn chế đến mức tối đa do nạn tham nhũng gây ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai minh bạch theo đúng nguyên tắc tất cả  các nội dung càn công khai. Nội dung công khai bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục đăng ký cấp phép, thực hiện nghĩa vụ tài chính và các quyền, nghĩa vụ khác của công dân, doanh nghiệp. Quy hoạch sử dụng đất, kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo, báo cáo kiểm toán, bản án và quyết định của Toà án, báo cáo giám sát, v.v... Hình thức công khai phải được công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức đơn vị, niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của tổ chức, đơn vị đưa lên phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực như: mua sắm, công trình xây dựng cơ bản, quản lý dự án đầu tư, xây dựng về tài chính ngân sách Nhà nước, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân trong quản lý doanh nghiệp, cổ phần hoá doanh nghiệp, kiểm toán việc sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng đất đai, công tác cán bộ... cũng phải được công khai minh bạch, cụ thể. Về minh bạch nghĩa vụ kê khai tài sản gồm tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị của các tài sản cùng loại có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Thu nhập phải chịu thuế đối với người có thu nhập cao, phải báo cáo về nguồn tài chính cho việc đi học, du lịch, chữa bệnh tại nước ngoài, v.v...

Ngay sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời, hàng chục vụ án tham nhũng lớn được cán bộ, quần chúng nhân dân phát giác, các cơ quan chức năng vào cuộc, nhanh chóng khởi tố điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của bọn chúng. Nhiều quan tham lũ lượt kéo nhau ra hầu toà và nhận sự trừng phạt thích đáng của cơ quan bảo vệ pháp luật. Điển hình như: Vụ án lừa đảo của tập đoàn CIP do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu kéo theo 30 cán bộ nghành bưu điện cùng liên quan phạm tội. Tài sản mà bọn chúng chiếm đoạt trong vụ án này lên đến 24 tỷ đồng. Với tính chất, mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, ngày 21/05/2008, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Nguyễn Lâm Thái 26 năm tù; một số cán bộ khác đều phải nhận mức án từ 18 tháng đến trên 3 năm tù. Bản án này đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Trước những cú giáng trực diện của các cơ quan bảo vệ pháp luật trừng trị các phần tử tham nhũng, tưởng chừng như tham nhũng đã được ngăn chặn nhưng trớ trêu thay, tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Mới đây, trong tháng 05 năm 2008, người dân lại phát hiện Ông Võ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau lợi dụng chức quyền để nhận hàng trăm triệu đồng tiền chạy chức của các thuộc hạ ở địa phương do Ông quản lý; rồi tiếp đến vụ tiêu cực của Ông Trần Công Lộc VTVKSND Tỉnh Cà Mau ngày 22/05/2008. Ban thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã họp để kiểm điểm. Theo báo cáo kết quả thanh tra thì ông Trần Công Lộc có một số khuyết điểm nghiêm trọng như: Chỉ đạo xử lý có nhiều sai phạm trong vụ án kinh tế ở công ty XNK thuỷ sản Cà Mau; che dấu, không khai báo tài sản cá nhân với số lượng lớn; quản lý đất rừng không đúng quy định của Nhà Nước. Từ những lý do trên, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã quyết định kỷ luật Ông Trần Công Lộc bằng hình thức: cách chức Bí thư ban cán sự Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng. Trước đó, ngày 15/05/2008, Viện Trưởng VKSNDTC cũng đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau đối với Ông Trần Công Lộc. Để che mắt pháp luật và đánh lừa dư luận nhân dân, những người dính vào tham nhũng đã dùng tiền của để đi hối lộ dưới hình thức biến tướng như: quà biếu, làm từ thiện, nhân đạo... Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vừa qua đã mắc phải là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai muốn thật lòng liêm khiết phải thường xuyên cảnh giác, tránh xa những tác động từ nhiều phía do những phần tử làm ăn bất chính tấn công bằng mọi thủ đoạn.

Có một điều khiến dư luận còn băn khoăn, lo lắng trước thực trạng tham nhũng ngày càng phổ biến nhưng có ít cơ quan đứng ra để bảo vệ cho người phát hiện đấu tranh chống tham nhũng. Thực tế vừa qua đã xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là tấm gương tiêu biểu đi đầu trong việc phát hiện, tố giác những kẻ tham nhũng, tiêu cực ở những vụ án lớn. Nhưng liền sau đó bản thân và gia đình họ phải trả giá rất đắt. Nhiều trường hợp đã bị phe cánh của những kẻ tham nhũng ẩn mặt, giấu tên tên trả thù hèn hạ như: khủng bố, đe doạ bằng điện thoại, va quệt xe để gây tai nạn. Nghiêm trọng hơn, có người còn bị kiểm điểm, khai trừ ra khỏi Đảng như vụ Ông Đinh Đình Phú ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Rất may, ông đã được Thủ tướng Chính phủ kiểm tra và xử lý kịp thời nên đã thoát nạn. Bọn quan tham trù dập Ông Đinh Đình Phú phải lần lượt vào tù...

Để khuyến khích người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng có hiệu quả, đông đảo quần chúng bày tỏ nguyện vọng: Quốc hội, Chính phủ phải có chế tài và hành lang pháp lý đủ mạnh nhằm bảo vệ tốt người phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng. Có như vậy công tác phòng chống tham nhũng mới được đẩy lùi

T - C

Nhà báo - Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh

(Theo Tạp chí Hướng nghiệp & Hòa nhập)