Sao tòa kéo dài lâu vậy?

      Năm 1950, cụ Đỗ Thị Vạn, sinh năm 1927, kết hôn với cụ Trần Duy Tiến, khi đó cụ Tiến đã có người con riêng với người vợ trước đã chết, là Trần Duy Thắng, lên 3 tuổi. Năm 1955, vợ chồng cụ mua được ngôi nhà 14B phố Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm và mang tên chủ sở hữu chung cả hai người là Đỗ Thị Vạn - Trần Duy Tiến, có giấy tờ bằng khoán điền thổ thời Pháp thuộc. Ngày 11-1-2001, cụ Vạn đã được UBND TP Hà Nội chuyển đổi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 101 052 10089. Năm 1961, cụ Tiến qua đời, không có di chúc gì, chỉ để lại 6 người con chung và người con riêng là Trần Duy Thắng mới hơn 13 tuổi.
      Tại ngôi nhà 14B Hàng Lược, với tổng diện tích 137m2, phía ngoài là nhà hai tầng, phía trong là bếp và công trình phụ, cụ Vạn một nách 7 con, tần tảo nuôi dạy các cháu từ lúc ấu thơ đến khi dựng vợ gả chồng. Năm 1989, năm cô con gái hầu hết đi ở riêng, cụ Vạn liền tạm phân định cho 2 con trai là Trần Duy Thắng và Trần Duy Bình ra ở phía ngoài mặt đường để có điều kiện làm ăn buôn bán, giúp đỡ cụ, còn cụ và cô con gái mắc bệnh tâm thần ở phía bên trong. Cuối năm 2008, thấy mình đã già yếu, con cháu thì đang cần có nơi ăn ở ổn định, song nội bộ tranh chấp, không tự giải quyết được, cụ Vạn buộc phải làm đơn nhờ TAND quận Hoàn Kiếm phân chia ngôi nhà 14B cho các thành viên giúp. Ngày 13-2-2009, TAND quận Hoàn Kiếm mở phiên toà sơ thẩm, chia: "Cụ Vạn được sở hữu sử dụng 1/2 diện tích nhà đất tại 14B Hàng Lược là 63,35m2 phía tay trái đứng từ đường Hàng Lược nhìn vào” và “Phần còn lại là 1/2 diện tích rộng 63,35m2 phía tay phải đứng từ đường Hàng Lược nhìn vào, là của cụ Tiến, chia cho 8 thừa kế...”. Không đồng ý với kết luận trên, ngày 23-2-2009, ông Trần Duy Thắng và bà Trần Thanh Huyền (vợ ông Trần Duy Bình - đã mất) làm đơn kháng cáo. Ngày 16-9-2009, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm, quyết định: “Cụ Vạn được sở hữu nhà ở phía trong 14B Hàng Lược tiếp giáp với nhà ông Trần Duy Thắng và bà Trần Thanh Huyền...” và “Không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung là di sản của cụ Trần Duy Tiến để lại cho các đồng thừa kế khác”... Sau phiên toà này, cụ Vạn và các bà con gái làm đơn khiếu nại lên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Viện KSND tối cao và TAND tối cao, vì cho rằng: Toà phúc thẩm đã vô tình truất quyền thừa kế của các con gái cụ, mà có đứa chồng là CCB nghèo khó, kể cả cô con gái bị bệnh tâm thần đang ở với cụ!...
      Đơn khiếu nại của cụ Đỗ Thị Vạn đã đến các cơ quan có trách nhiệm. Ngày 11-12-2009, Phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Quốc hội khoá XII Phạm Quý Tỵ, có Công văn số 3380/UBTP12 chuyển đơn của cụ Vạn tới Viện trưởng Viện KSND tối cao, đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngày 4-2-2010, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm ra kháng nghị: Đề nghị Toà dân sự TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ hai bản án trên, giao hồ sơ về TAND quận Hoàn Kiếm xét xử sơ thẩm lại. Và tới ngày 28-5-2010, Hội đồng giám đốc thẩm Toà dân sự TAND tối cao do bà Hoàng Thị Thanh làm chủ toạ đã quyết định: "Huỷ bản án dân sự phúc thẩm... của TAND TP Hà Nội và huỷ bản án sơ thẩm.. của TAND quận Hoàn Kiếm... về vụ án chia tài sản chung giữa nguyên đơn là cụ Đỗ Thị Vạn với bị đơn là ông Trần Duy Thắng, bà Trần Thanh Huyền và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật".
      Từ đó đến nay đã hơn một năm trôi qua, cụ Đỗ Thị Vạn đã sang tuổi 85, già yếu đi nhiều, nay cụ chỉ mong các cấp tòa giải quyết sớm để có chết cũng được yên lòng, song không hiểu sao tòa cứ im lặng?
Thắng Cảnh